6 thg 12, 2008

Giàu nghèo và hệ lụy của sự phát triển

( Bài đăng trên tạp chí NHỊP CẦU ĐẦU TƯ số 35/1.6.2007 )


.........Những năm gần đây ,đất nước đổi mới nhanh quá , nhanh đến nỗi nhiều Việt kiều về nước phải ngẩn ngơ thốt lên :” Bây giờ sống ở Việt Nam còn sướng hơn cả ở nước ngoài. “ Nhận định của họ không sai vì hiện nay nhiều gia đình trung lưu ở thành phố đang có cuộc sống rất phong lưu : ở nhà cao cửa rộng tiện nghi, con cái đứa đi du học , đứa học tại trường quốc tế mà học phí cao lên tới 2-3 triệu đồng một tháng .Trong khi những người Việt định cư tại Mỹ hoặc Tây Âu ít ai dám thuê người phụ việc nhà thì tại Việt Nam việc mướn người làm lại rất bình thường. Lắm gia đình mới sinh con hoặc có cha mẹ già yếu liệt giường dám thuê luôn một lúc hai người giúp việc . Nhiều trung tâm môi giới cung cấp lao động bán thời gian hoặc lâu dài xuất hiện trong các quận huyện và trên mạng .Có cả chợ ô shin hình thành tự phát ở các thành phố lớn quy tụ một số lượng người khá đông .

........Người nghèo bỏ quê lên phố

.........Vì sao lại có nhiều người sẵn sàng chấp nhận làm thuê như vậy ? Theo tôi , nguyên nhân sự việc này có nhiều ,song chủ yếu do biến động về yêu cầu lao động ở các vùng nông thôn .Hiện nay cơ chế gieo trồng tại Việt Nam đã đổi thay . Nhiều máy móc được dùng thay thế người hoặc diện tích canh tác lúa nước , cây vườn cứ hẹp dần do bị các ao ,các đìa nuôi tôm , nuôi cá xuất khẩu "lấn sân"… khiến cho nông thôn dư thừa sức lao động . Những người lớn tuổi ,có gia đình an phận sống nghèo , không muốn xa rời quê hương vì còn phải lo chăm sóc mồ mả cha ông . Những người trẻ nhìn về tương lai, sẵn sàng chấp nhận lên thành thị làm lao động thuê ,làm ô shin hay công việc gì cũng được ,miễn có thể chắt chiu đồng lương gửi về quê hỗ trợ người thân . Phần cũng vì thiếu kiến thức ,người nông dân không biết tính toán đã hoang phí những số tiền có từ việc hoán đổi đất nông nghiệp bị thu hồi, sớm trắng tay sau vài năm lên đời . Nhiều gia đình cơ lỡ làm ngơ cho con gái chạy theo trào lưu lấy chồng Hàn ,chồng Đài để đổi đời .Nhưng cũng từ việc lấy chồng theo kiểu “nhắm mắt đưa chân ” này ,nguy cơ sẩy chân do bị lừa đảo rất cao mà hậu quả thật là bi đát . Dư luận đã rộ lên phẫn nộ ,lên án đàn ông Hàn quốc sau khi một bài viết mang tính cách hạ giá nhân phẩm các cô dâu Việt Nam đăng trên báo điện tử Chosun. Nhưng sau đó không bao lâu, nạn môi giới lấy chồng nước ngoài lại âm thầm tiếp diễn . Chỉ trong thượng tuần tháng 4.2007 , trên 200 cô gái từ 18-25 tuổi lần lượt bị cảnh sát phát hiện tụ tập ở vài địa điểm định sẵn trong thành phố để chờ những người đàn ông Hàn quốc đến xem mặt chọn vợ. Sau vụ việc, không ít những người con gái trước lúc trở về nguyên quán đã nói với các nhân viên tham vấn xã hội rằng họ tự nguyện chứ chẳng bị ai ép buộc .Câu trả lời làm đau đầu không ít những người làm công tác an sinh xã hội. Số người nghèo ở thành thị cũng không phải là nhỏ. Họ là những người già cả , bệnh tật ,có con cái không thành đạt , là những cặp vợ chồng nghèo đông con hoặc những người không thích ứng kịp theo nhịp đi của đất nước . Hiện nay khoảng cách giữa giàu- nghèo không đứng nguyên mà gia tăng với thời gian . Theo nghiên cứu của các nhà khoa học vừa công bố tại Hội nghị cập nhật nghèo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức cuối tháng 3 năm 2007 thì khoảng cách giữa các nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất đang bị nới rộng một cách liên tục và đáng kể. Cụ thể là năm 1993, chi cho tiêu dùng bình quân đầu người của gia đình giàu nhất cao gấp 5 lần so với gia đình nghèo nhất thì tỷ lệ này tăng lên 6,3 lần vào năm 2004. Do vậy, tỷ lệ chi tiêu bình quân đầu người của nhóm giàu nhất trong tổng chi tiêu dùng xã hội tăng từ 41,8% lên 44,7%, trong khi đó nhóm nghèo nhất lại giảm từ 8,4% xuống còn 7,1% ở cùng thời kỳ. Sự khác biệt trong chỉ số khoảng cách nghèo giữa nông thôn và thành thị rất lớn .Lý do là hội nhập khiến cho sự phân hoá giàu nghèo trở nên sâu sắc hơn , làm tăng khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư trong nước, làm gia tăng sự bốc lột hợp pháp qua thuê mướn lao động từ đó tạo thêm bất công thu nhập và phát sinh ra những xung đột tâm lý giữa các giai tầng xã hội . Nhìn vào thực tế xã hội hiện nay ,mức sống của người dân thành thị tăng lên rất nhanh . Không chỉ những người nhóm trung lưu mà cả những người lao động bình thường dám chi gần hết thu nhập để có được những đồ dùng cao cấp hàng hiệu . Khi mà đồng lương không theo kịp đà phát triển của xã hội sẽ càng làm tăng thêm khoảng cách giữa các nhóm dân cư , xã hội sẽ phân tầng rõ nét hơn và hệ lụy tất yếu sẽ là tạo thêm khỏang cách bất bình đẳng ở giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo . Trong bối cảnh đó, con số người di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ tăng nhanh hơn nếu các nhà hoạch định kinh tế không sớm có kế sách hữu hiệu kềm giữ làn sóng lao động đang cuồn cuộn đổ về những thành phố lớn.

........Phải làm gì để giảm thiểu sự ngăn cách giàu nghèo hiện nay ở nước ta ?



...... .......Nhìn vào kế họach của nhà nước người ta thấy có những bước rất tích cực .Nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15% vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua khoản đầu tư từ 60.000 đến 62.000 tỷ đồng Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2006-2010. Trước mắt, năm 2007, các bộ, ngành nghiên cứu chủ động áp dụng các hình thức hỗ trợ cần thiết phù hợp với quy định trong WTO đối với người nghèo, vùng nghèo, đối với những bộ phận xã hội ít được hưởng lợi hoặc bị thiệt thòi trong quá trình hội nhập, đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp phải một thách thức là sự xuất hiện của nhóm nghèo mới do đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Vì thế , tác động xã hội của quá trình đô thị hoá phải được đánh giá cẩn thận và cân nhắc đầy đủ trong quy hoạch đô thị, để có thể thiết kế kèm theo những giải pháp phù hợp. Ngoài ra cần chú ý phát triển giáo dục ở những vùng có nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho mọi người được nâng cao trình độ văn hoá và trình độ nghề nghiệp, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn, thực hiện công bằng trong chính sách đầu tư phát triển, phát huy hơn nữa vai trò của nhà nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.Đất nước sau hội nhập ,nhiều người khá giả hoặc giàu lên khiến khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn . Đó là hệ lụy tất yếu của sự phát triển . Chúng ta không nên xem sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng là hoàn toàn xấu, bởi bất kỳ nước nào, cho dù là cường quốc ,cũng đều phải trải qua. Nhưng khi độ vênh giàu nghèo ngày càng cao thì hệ thống an sinh xã hội cần cải thiện ,củng cố để hỗ trợ người thu nhập thấp. Trong tâm tư của mọi người Việt Nam , ai cũng mong muốn đất nước phát triển mọi mặt . Nhưng sẽ vui hơn nếu tỷ lệ người nghèo ngày càng giảm đi và đời sống người dân trên bất kỳ miền nào trên đất nước đều được nâng cao. Chúng ta đang có “cơ hội mới , vận hội mới “ để đất nước “cất cánh bay lên” thì không có lý do gì để quá bi quan về cách biệt giàu nghèo hiện nay.Nghèo không tự ti , giàu không tự hãnh mới là thái độ chính đáng vì khái niệm giàu nghèo mang tính tương đối về cả thời gian lẫn không gian . Mark Elmateo - một trong số rất nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đã giải thích tại sao ông thường xuyên sang Việt Nam sinh sống dù vẫn rất yêu mến Tokyo : ”Lương cho người nước ngoài khá cao và tại đây bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn so với khi ở Tokyo.Ở Việt Nam tôi là người giàu có, còn ở Tokyo tôi chỉ là một người nghèo.” Không nên nhìn người giàu như kẻ bóc lột ,xem người nghèo là hạng đáng khinh trong xã hội . Nghèo cũng không phải là cái tội giống như con người sinh ra có ai chọn được cha mẹ của mình đâu .Thế nên những người nghèo do hoàn cảnh khách quan cần được chia sẻ, hỗ trợ, đùm bọc để họ vươn lên bằng chính sức lao động của mình .Trong hai năm qua ,Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhìn vào sự phát triển kinh tế năng động của nước ta trong 20 năm đổi mới vừa qua, chúng ta có thể vững tin vào tiền đồ của Tổ quốc vì đất nước ta chưa bao giờ có những điều kiện thuận lợi như ngày hôm nay. Điều quan trọng chúng ta cần khẳng định là dân tộc ta đang có trong tay cơ hội vàng nếu biết vận dụng tốt ,nước ta sẽ bứt mình ra khỏi hàng ngũ các nước nghèo chậm phát triển , vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu bốn biển và sự giàu mạnh sẽ có ý nghĩa lớn hơn nếu mọi người biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau như anh em một nhà, sống với nhau như cây cùng một cội .” Lá lành đùm lá rách ”, ” Bầu ơi thương lấy bí cùng “ , những câu nói đó càng ý nghĩa hơn trên đường hội nhập .

--------------------------------

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..