Một người bạn fw cho tôi một bản tin mang nội dung về pho tượng lạ ,độc đáo của
Việt Nam : pho tượng chùa Hoè Nhai với hình ảnh một ông vua nằm phủ phục và có
Phật Thích Ca ngồi trên lưng.Xem xong tôi hơi bị “nóng trong người ” bởi bài
viết có câu “Có lẽ nhiều người ở Hà Nội không hề hay biết rằng giữa thủ đô có
một bức dị tượng không giống với bất kì bức tượng Phật nào khác.”Nói cho vui
vậy chứ tôi sao dám tự nhận là người dân thủ đô khi đã sớm rời xa Hà Nội vào
Nam ngay từ tấm bé lúc học chưa hết bậc tiểu học.Nhưng chợt nghĩ chắc cũng còn không ít người chưa biết về pho tượng kỳ lạ này
nên tôi mày mò sưu tầm, thêm một số chi tiết cùng hình ảnh liên quan để
giới thiệu trên blog ,như một việc làm “thừa
giấy vẽ voi” nhưng biết đâu lại có thể giúp ích cho những ai cần tìm hiểu.
Vài nét về Chùa Hòe Nhai

Chùa Hòe Nhai có tên chữ là Hồng Phúc tự , cũng vì vậy được gọi là chùa Hồng Phúc. Chùa thuộc địa phận phường Hòe Nhai,tổng thượng, huyện Vĩnh Thuận, kinh thành Thăng Long;nay ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực – Quận Ba Đình - Hà Nội .Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý.Chùa đã sửa chữa và xây lại nhiều lần vào các năm 1699,1703,1812,1894,1920,1946.Căn cứ vào tấm bia dựng vào năm Chính Hòa 24 (1703) do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn có ghi rõ chùa được dựng tại bến Đông Bộ Đầu,nên giới sử học nhờ đó xác định được trận đánh quân Nguyên ngày 29 – 1 -1528 là gần chùa Hòe Nhai hiện nay .
Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công.Phía trước là chính điện,
phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang.Thượng điện còn giữ
được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều
tượng Phật được bày làm 6 lớp. Tổng số tượng ở chùa Hòe Nhai gồm 68 pho, được
làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son
thếp vàng.
Chùa có một quả chuông mang niên hiệu Long Đức
3 (1734). Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng. Trong chùa còn có đến 28 tấm
bia, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà
24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông.Chính nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được
vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần mà sử chép
là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở
khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay.
Chùa có nhiều tượng Phật sơn son thiếp vàng
mang phong cách của Thế kỷ 18. Đặc biệt gian bên phải của chính điện hiện có pho tượng
Phật ngồi trên lưng một ông vua đang phủ
phục – Duy nhất chỉ có ở chùa Hòe Nhai.Chùa có Quả chuông mang niên hiệu Tự Đức
17 ( 1864 ) một khánh đồng cao 1,5 m ,
đúc nămGiáp Dần niên hiệu Long Đức 3 ( 1734 ) đời Lê Thần Tông .
Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng,chùa
mới dựng ngọn tháp Ấn Quang năm 1963 để kỷ niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã
tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo .
Trong chùa có rất nhiều tấm bia.Qua đó
chúng ta được biết chùa là trụ sở của một trong những tông phái Phật Giáo lớn
của Việt Nam đó là Phái Tào Động.Phái Tào Động có sư tổ thứ nhất là Hòa Thượng
Thủy Nguyệt , tổ thứ hai là Thiền sư Chân Dung … Tính đến năm Nhâm Thân (1932)
thiền sư Tam Nghĩa Thích Nhân Từ , phái Tào Động đã trụ trì ở đây được 47 đời .
Nhiều Thiền Sư đã được vua sắc phong. Hiện chùa còn giữ được một đạo sắc phong
do vua Lê Hiển Tông phong cho thiền sư Trần Văn Chức vào năm Cảnh Hưng Thứ 11 (
1750 ). Thời Gian cuối đời Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam –
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận đã ở đây.
Chùa Hòe Nhai trải qua nhiều lần sửa
chữa lớn vào các năm 1687,1899 và 1952. Phạm vi chùa trước kia khá lớn, sang
thờiPháp thuộc bị thu lại như hiện nay.Vừa
qua chùa mới được Đại Đức trụ trì
Thích Tâm Hoan cùng tín đồ Phật tử trong và ngoài nước với sự giúp đỡ
của chính quyền các cấp đã tu sửa nhà tổ,nhà khách,nhà thờ Thất Phật ,quy hoạch
lại khuôn viên tháp Ấn Quang .. thật là tố hảo .Trong thời gian tới sẽ tiếp tục trùng tu lại Thượng điện thờ Tam
Bảo.Thật xứng với lời tụng “ Chùa Hồng Phúc ở Hà Thành , núi Nùng như vạt áo,sông
Nhị như giải lưng,hồ Trúc Bạch chắn ngang,dòng Tô Lịch vòng lại,đây thật là
chốn tùng lâm lâu đời của đất Thăng Long “ ( Văn bia 1703 ).
Lai lịch pho tượng kỳ lạ
Pho
tượng này là kết quả từ một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678.
Khoảng thời gian hậu Trần đó, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo
nữa, thay vào đó là Nho giáo thịnh hành hơn bao giờ hết.Đỉnh điểm là đến thời
vua Lê Hy Tông đã có một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ
bị trừng trị nặng nề. Đạo Phật khi đó đã phải trải qua một thời kỳ nhọc nhằn.
Một trong số những hòa thượng đắc đạo pháp danh Tông Diễn,được biết đến với tên
Tổ Cua,Tổ Cáy cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này.
Theo lời kể của nhà sư Thích Tâm Hoan,Thượng toạ trụ trì tại chùa hiện nay,pho tượng này là kết quả từ một cuộc
pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678. Khoảng thời gian hậu
Trần đó, khi Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo nữa, thay vào đó
là Nho giáo thịnh hành hơn bao giờ hết. Phật giáo Việt Nam đã trải qua
một giai đoạn bị cho rằng không có lợi gì cho xã hội, các tăng ni phật tử sống
trong chùa lười nhác và ăn bám xã hội. Đỉnh điểm là đến thời vua Lê Hy Tông đã
có một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị nặng
nề. Đạo Phật khi đó đã phải trải qua một thời kỳ nhọc nhằn.Một trong số những
hòa thượng đắc đạo pháp danh Tông Diễn, được biết đến với tên Tổ Cua, Tổ Cáy
cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này.
Hòa thượng Tông Diễn là thế hệ thứ hai
của phái Tào Động tại Việt Nam.
Việc ông thả toàn bộ mớ cua mẹ mua được xuống ao khi nhìn thấy chúng khóc (sùi
bọt) là lý do ông mang tên Tổ Cua,Tổ Cáy.Cũng sau sự kiện phóng sinh cua, ông
đã lên chùa theo Phật, được biết đến như một danh tăng lỗi lạc của kinh thành
Thăng Long lúc bấy giờ.Không cam tâm thấy tăng chúng phải trải qua pháp nạn quá
nặng nề đó, hòa thượng Tông Diễn đã tìm cách len lỏi trở lại kinh thành Thăng
Long,tìm cách giáo hóa vị vua Lê Hy Tông đầy quyền uy và kì thị, vị vua mà sau
này, nguyện phủ phục dưới Phật để sám hối những lỗi lầm đã phạm.
Hòa thượng Tông Diễn đã dùng một
"phương tiện" để có thể gặp được vua Hy Tông, ông nói dối rằng có một
viên ngọc quý muốn dâng tặng. Tuy nhiên, vua Hy Tông kiêu ngạo chỉ cho người ra
lấy ngọc. Hòa thượng Tông Diễn bèn cho một tấm biểu đã viết sẵn vào một chiếc
hộp chuyển vào cho vua Hy Tông. Trong biểu chỉ có những điều đơn thuần dễ hiểu
như: hãy nhìn vào đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi
quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không sân
si, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại
sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã
hội...
Vua Hy Tông
mở chiếc hộp và đọc chiếu mới bừng tỉnh, cho vời hòa thượng Tông Diễn vào trò
chuyện. Sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, bèn rút lại sắc lệnh đã ban. Vua
Hy Tông từ đây hết sức sửa mình, tự nguyện đề nghị với hòa thượng Tông Diễn
rằng nên làm một bức tượng mà trong đó, vua phủ phục dưới Phật, để thể hiện sự
sám hối và sửa mình một cách cẩn trọng của ông. Đây là bức tượng độc đáo nhất
của văn hóa Phật giáo Việt Nam,
mang tính cách Việt và lịch sử Việt, không nơi nào trên thế giới có một mã văn
hóa như thế.
Bài
học sửa mình

Đất nước chúng ta đang trên đà đổi mới, các lãnh
vực khoa học kỹ thuật, kinh tế phát triển rất nhanh nhưng chưa bao giờ đạo đức xã hội lại xuống cấp như hiện nay. Vì sao vậy ?
Trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường,giới trẻ khó đứng vững được trước những
thay đổi chóng mặt của nó.Họ mải chạy theo những giá trị vật chất,những thứ đảm
bảo cho một cuộc sống thoải mái tiện nghi.Với xu thế đó,họ không có thời gian
để thưởng thức những giá trị tinh thần cao đẹp,lao đầu vào dòng đời ngược xuôi
tốc độ,cạnh tranh.Trong đầu óc giới trẻ,ai bình chân lương thiện người đó sẽ
chết đói bởi “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”;nếu cứ sống lương thiện thì áo
chẳng có mặc,cơm chẳng có ăn,nói chi “ăn no mặc ấm, ăn sung mặc sướng”.Bên cạnh
đó lối sống buông thả,gian lận thương trường,tham ô tham nhũng của người lớn
được du di cho qua đã khiến họ nghĩ “làm sai cũng chẳng sao cả”, vì đâu có thấy
những hành vi đó bị trừng phạt thích đáng.
Thật nguy tai nếu giới trẻ nhận thức phiến
diện như thế.Chúng sẽ không coi trọng việc học và lơ là rèn luyện đạo đức làm
người để rồi ra đời lại sẽ dẫm chân vào vết cũ của cha ông.Thực tế cho thấy mối
hiểm họa trên đã được nhiều nhà giáo,nhà nghiên cứu xã hội nhìn ra từ xa,trước
khi nó phát triển.Thế nhưng họ đã làm được những gì ? Phải chăng là những lời
kêu gọi sáo rỗng hoặc những đợt cải cách đạo đức lẫn giáo dục dẫm chân nhau mà
chả cải mới được gì.Toàn xã hội cần phải làm gì đây?Câu trả lời xin để mọi
người đọc suy ngẫm.Người viết chỉ xin phép được nhắc lại lời chỉ dạy của nhà sư
Thích Tâm Hoan khi nói về vua Hy Tông:”Sống trên đời ai cũng có lỗi lầm nhưng
ít người chịu nhận,có nhận thì họ cũng chỉ tự nhận với mình hoặc nhận với nhau,những
người sẽ không đánh giá và quy tội họ,hoặc có người nhận thì chỉ là nhận suông
thôi,không chịu sửa.Vị vua này, người mang quyền lực tối cao trong một nhà nước
đã biết nhận lỗi, sửa lỗi.Sự sám hối này không chỉ cho mình ông,mà còn để răn
dạy bao thế hệ về sau nữa."