8 thg 9, 2016

Sự Tích Bài Thơ LÁ DIÊU BÔNG


Bài thơ Lá Diêu Bông

Tác giả Hoàng Cầm - Bài hát do Thu Hiền trình bày

“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thờ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Muà đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xoe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọị
Diêu bông hời … ới Diêu Bông!”.

------------------------------------------------------------------------------------------

                 Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc 
                 thành bài hát cùng tên, và nhạc sĩ Trần Tiến phổ
                  nhạc thành bài hát Chuyện tình lá diêu bông.

                                   Mời bấm nghe bài hát    Chuyện tình lá diêu bông.       


  

                    Sự Tích Bài Thơ Lá Diêu Bông - Hoàng Cầm            

                                                                         Nguồn: Trang Nhà NLS Bình Dương
          “Bài thơ “Lá diêu bông” tôi viết về một câu chuyện có thật, câu chuyện về mối tình đầu tiên trong đời tôi. Vào một đêm năm 1959, khoảng 3 giờ sáng, tôi chợt tỉnh giấc rồi thao thức không ngủ lại được. Căn nhà ở phố Lý Quốc Sư nằm sâu phía trong, lại thêm thuở ấy ban đêm không có tiếng xe tiếng còi ầm ĩ như bây giờ, nên đêm khuya càng thêm thanh vắng. Chợt tôi thấy lóe trong đầu văng vẳng mấy câu thơ do một người đàn bà đọc bằng giọng lanh lảnh: Váy Ðình Bảng buông chùng cửa võng...
      Tôi lấy ngay cây bút chì và tập giấy luôn để sẵn trên đầu giường ghi lại. Rồi từng mẩu ký ức cứ hiện lên trong đầu tôi, hình ảnh người đàn bà, người Chị năm xưa cứ rõ nét dần để đi trọn hết bài thơ.
       Tôi nhớ đâu hồi lên 4 tuổi, cha mẹ tôi từ làng quê chuyển lên sống ở một phố nhỏ dọc đường quốc lộ. Gọi là phố nhưng thực ra chỉ có khoảng 14, 15 ngôi nhà dựng dọc hai bên đường, cách thị xã Bắc Giang chừng 6 cây số. Nhà tôi quay về hướng tây, phía trước là đường cái, sau nhà có một mảnh vườn nhỏ có hàng rào dâm bụt, tiếp đấy là đường xe lửa. Người trong phố làm các nghề thợ may, cắt tóc. Cha tôi có tủ thuốc bắc và gánh hàng xén của mẹ.

        Lên 5, cha tôi đã cho tôi đến trường, cách nhà chừng 2 cây số. Nhưng đi học xa, dọc đường hay bị trẻ chăn trâu bắt nạt, vì vậy năm sau ông gửi tôi lên tỉnh học. Lên 6 tôi đã đọc thông viết thạo, lại thêm võ vẽ chữ Pháp, nên được nhận vào trường công ở thị xã Bắc Giang. Tôi được gửi ở nhà thầy ký ga Núi Tiết. Mỗi chiều thứ bảy, tôi đi thẳng từ trường ra sân ga lấy vé, đi tàu mất 10 phút là về đến ga gần nhà. Thuở ấy đi tàu dễ dàng nên trẻ con đi một mình cũng không sợ. Cuộc đời của một thằng bé cứ lặng lẽ trôi nếu không có một biến đổi về tình cảm mà dấu ấn của nó sẽ để lại trong lòng tôi nhiều cảm nghĩ đến tận sau này.

      Năm đó tôi lên 10, đã học đến lớp ba (cour élémentaire). Một buổi chiều thứ bảy, tôi về nhà như thường lệ. Ðang dừng lại ngoài sân nhìn vào trong nhà, tôi thấy có một người đàn bà đang cúi xuống bồ hàng xén của mẹ tôi chọn mua một cái gì đó. Chị mặc chiếc áo phin trắng, ngoài có chiếc gilê màu thẫm. Khi đó nắng xiên khoai dọi vào nhà, lúc chị ngửng đầu lên thì cả khuôn mặt chị được ráng vàng chiếu sáng, tôi thấy bừng lên một khuôn mặt khiến tôi choáng váng cả người. Không hiểu cái máu đa tình có từ bao giờ, mà chỉ mới lên chín lên mười, tôi đã bị khuôn mặt đó làm cho tôi ngơ ngẩn suốt buổi chiều. Mua hàng xong chị ra về, khi đi ngang qua tôi trông theo, thì biết chị là người hàng xóm, ở ngôi nhà ngay bên kia đường hơi xế cửa nhà tôi. Hỏi mẹ thì biết gia đình nhà đó mới dọn về, có ba mẹ con, chị là con gái lớn, còn một cậu em trai nhỏ. Thảo nào tuần trước tôi về chưa gặp. Tên chị là Vinh. Cả ngày chủ nhật hôm sau, tôi cứ ngong ngóng nhìn sang nhà đàng trước, chờ xem chị có xuất hiện không. Ðến sáng thứ hai tôi lại quay trở về thị xã.

        Về đến Bắc Giang, tôi làm ngay một bài thơ gửi chị, theo thể lục bát. Hồi đó tuy chưa học niêm luật, nhưng tôi đã biết làm thơ lục bát. Nguyên tôi trọ học ở nhà ông ký ga, buổi tối nhà chủ thường tập trung các bà ,các chị trong xóm đến làm hàng xáo. Buổi tối khoảng 9 giờ học xong, trước khi đi ngủ, các bà các chị thường gọi tôi xuống nhà dưới đọc truyện cho mọi người nghe, trong khi họ đang giần sàng thóc gạo. Mỗi tối tôi đọc chừng một tiếng rồi đi ngủ, các bà thường thù lao, khi thì bát chè, khi thì phong kẹo. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi được đọc hết mọi truyện thơ dân gian, từ Phạm Công Cúc Hoa, đến Nhị độ mai, rồiHoàng Trừu... Tôi có giọng tốt, lại biết ngâm nga, nên được các bà tín nhiệm, và cũng vì vậy mà thơ lục bát cứ ngấm vào người tôi, không cần học cũng biết cách gieo vần.

        Tôi chép bài thơ vào tờ giấy học sinh. Trang đầu chép bốn câu có vẽ hoa bướm, trang sau chép nốt bài. Tôi không còn nhớ bài thơ tình đầu tiên đó viết những gì. Chỉ nhớ là tôi nắn nót viết lên đầu trang giấy dòng chữ "Em gửi chị Vinh của em". Tôi bỏ thơ vào phong bì, chờ hôm về nhà, tìm gặp chị trao tận tay nói: “Em gửi chị cái này.” Chị không mở ra xem, chỉ mỉm cười hơi bí mật rồi bỏ vào túi, không nói gì. Sau đó chị không nhắc đến bài thơ đó, và tôi cũng không hỏi lại.

            Từ đấy tôi không chỉ về nhà chiều thứ bảy, mà ngày thứ năm được nghỉ, tôi về cả chiều thứ tư. Mục đích là để được gặp chị. Ngày nghỉ, hễ thấy chị đi đâu là tôi đi theo đấy, đôi khi chị thấy tôi đi theo thì đưa tay dắt. Mỗi khi chị ôm chiếu ra sông giặt, tôi lại lẽo đẽo đi theo, ngồi trên bờ nhìn chị cúi khom mình giặt chiếu ven sông. Tình yêu tôi dành cho chị chỉ có thế, nhưng nó cứ đeo đẳng tôi hết năm này sang năm khác. Tôi càng lớn thì tình yêu đó càng thêm đằm thắm, nhưng tôi chưa biết làm thế nào để bày tỏ mối tình của mình.

      Lên 12 tuổi, những đêm sáng trăng, chị Vinh thường tập hợp trẻ em từ 10 đến 15 tuổi cả trai lẫn gái, tụ tập trên bãi cỏ sau ga để tập hát. Chị Vinh có giọng ca tốt, thường cùng một vài chị trong xóm hát Quan họ. Chúng tôi được chị dạy hát đủ loại dân ca như Trống quân, Cò lả... Mỗi khi đứng hát, tôi thường chen vào đứng cạnh chị, có khi tôi đứng trước chị, đầu tôi vừa đúng ngang tầm ngực của chị. Có khi chị ôm lấy vai tôi, tôi hơi ngả đầu vào người chị, chị khe khẽ vuốt cổ xoa lên hai vai tôi. Tôi có một cảm giác là lạ, đó là những giờ phút say sưa nhất của tôi. Những đêm tháng chín tháng mười, trời hơi se lạnh, đứng dưới gốc cây trên bãi cỏ, tôi được hơi ấm từ người chị truyền sang. Hình như chị cũng cảm thấy sự ham muốn của tôi. Mặc dù lúc đó tôi còn bé, nhưng là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lại có đi học, khác hẳn với những đứa trẻ khác trong xóm. Ðược chị ôm trong lòng, nhưng tôi chưa bao giờ dám chủ động ôm người chị.

      Lần ấy, trong dịp lễ Noel, tôi được nghỉ mấy ngày. Ðang đứng ở sân, tôi chợt thấy chị Vinh bỏ cửa hàng đi ra cánh đồng. Tôi vội đi theo. Thấy chị rẽ xuống ruộng, bới các bụi cây ven bờ ruộng. Tôi cũng nhảy xuống theo, không biết chị có nhìn thấy tôi hay không. Chợt chị ngẩng lên hỏi: "Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng như thế này nhỉ?" Tôi không trả lời, nhưng thấy sung sướng vì đã được chị chú ý tới. Rồi chị tiếp tục cúi xuống tìm, cuối cùng bước lên trên một cái gò nhỏ có nhiều bụi cây dại. Tôi hỏi chị tìm cái gì. Chị dừng lại thẳng người lên, nhìn vào mắt tôi nói: “Chị tìm cái lá...” (tôi không nhớ là chị gọi cái lá gì nữa). Rồi chị tiếp lời: “Ðứa nào tìm được ta gọi làm chồng...” Nghe câu nói đó, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, người nóng ran lên. Tôi nghĩ đó là một cái lá gì kỳ diệu lắm, có thể dùng làm thuốc, hoặc dùng đắp lên mặt như các cô gái hồi đó thường làm. Tôi cảm thấy giữa chị và tôi có một tình yêu mãnh liệt. Mà tình yêu đó giống như tình yêu tôi dành cho mẹ. Tôi không có chị gái, vì vậy đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy một tình yêu đối với người chị.

      Hai mươi lăm năm sau, câu chuyện đi tìm lá của chị Vinh hiện lại trong bài thơ mà tôi đặt cho cái tên là “Lá diêu bông.”

                    Chị thẩn thơ đi tìm
                    Ðồng chiều
                    cuống rạ
                    Chị bảo
                     - Ðứa nào tìm được lá Diêu Bông
                   Từ nay ta gọi là chồng...

       Một tuần sau, khi tôi từ trên tỉnh trở về, nhìn sang trước nhà thấy cửa đóng im ỉm. Tôi vội hỏi mẹ nhà đó đi đâu rồi. Mẹ tôi trả lời, trong giọng nói như có nước mắt: "Nó đi lấy chồng rồi con ạ." Tôi òa lên khóc, gục đầu vào lòng mẹ. Không biết mẹ tôi có biết mối tình của tôi đối với chị Vinh không, mà sao mẹ lại nói bằng giọng nghẹn ngào? Khi đó cha tôi vừa về, tôi vội lau nước mắt, không dám để cho cha nhìn thấy. Về sau mẹ kể cho tôi biết có một ông Quản khố xanh đi qua đây, trông thấy chị đã mê vì nhan sắc. Chị bằng lòng lấy lẽ, ông Quản đưa cả mấy mẹ con về Phủ Lý quê ông. Từ đấy tôi không gặp chị nữa.

         Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đấy. Năm đó tôi đã 17 tuổi, vừa thi đỗ tú tài xong, đang sống ở Hà Nội. Nhân ngày nghỉ, có một người bạn ở Sen Hồ có người anh cưới vợ, đã rủ tôi về nhà chơi, luôn tiện ăn cỗ cưới. Cỗ bàn xong, chiều hôm đó tôi dạo ra phố Sen Hồ chờ tàu về Bắc Giang. Lúc đó tôi đã viết báo nên cũng có tiền. Tôi mặc bộ complet, thắt ca vát, đầu đội mũ phớt, ra dáng người dân chốn thị thành. Ðang thả bộ đi dọc phố, chợt nghe có tiếng gọi: "Cậu Việt ơi!" Nghe giọng quen quen, tôi nhìn sang bên kia đường, thì thấy chị Vinh đang ngồi bên một cái tủ bày bánh kẹo, cạnh một cái chõng bán nước chè. Tôi bước sang đường, chị Vinh mừng rỡ chạy ra, đặt hai tay lên vai tôi rồi kéo vào nhà nói chuyện. Bà mẹ đã già nhưng còn nhớ tôi, hỏi thăm cha mẹ tôi. Một lát sau bà bảo bà có việc phải đi vào làng, tối có thể không về, cậu cứ ở lại xơi cơm. Cậu em đã lớn cũng theo mẹ đi. Hình như cả hai đều biết giữa tôi và chị Vinh còn có nhiều điều muốn nói với nhau. Chị kéo tôi ngồi xuống chõng, chị ngồi cạnh ôm ngang lưng tôi. Tôi nhẹ nhàng khẽ gỡ tay chị ra. Chị kể cho tôi biết tình cảnh của chị sau khi lấy chồng. Chị lấy ông Quản đã có một mặt con. Mấy mẹ con chị về Phủ Lý cũng vẫn tiếp tục buôn bán làm ăn. Nhưng dần dần ông Quản ruồng bỏ chị, đi theo người khác. Cuối cùng ông đã đuổi mấy mẹ con đi. Gia đình chị không muốn trở về chốn cũ, nên đưa nhau về Sen Hồ.

       Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái tình yêu say mê của thời thơ ấu. Tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều tụy, nhan sắc đã tàn phai. Bảy tám năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của chị năm tôi lên 10 vẫn còn đọng mãi trong tôi.

             Ngày cưới Chị
             Em tìm thấy lá
             Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.

     Và cảm giác khi đánh mất chị như vẫn còn đi suốt đời thơ tôi:

             Từ thuở ấy
             Em cầm chiếc lá
             đi đầu non cuối bể
             Gió quê vi vút gọi
             Diêu Bông hời!...
             ... ới diêu bông!...
                                                    Hoàng Cầm

                                                                    (17-9-2004)

CHUYỆN CỨU ĐÓI NĂM ẤT DẬU 1945

        Nạn đói năm Ất Dậu xảy ra cách đây trên 70 năm ,chỉ những người già U70 trở về trước sống ở miền Bắc mới có thể đã từng chứng kiến thảm họạ người Việt Nam chết đói năm đó kinh hoàng như thế nào.Hy vọng bài viết này khi post lên blog sẽ giúp bạn đọc thế hệ trẻ hôm nay hiểu và cảm thông được nỗi thống khổ mà dân tộc mình  phải gánh chịu trong năm 1945.

                 CHUYỆN CỨU ĐÓI ẤT DẬU 1945
       QUA LÁ THƯ CỦA BÀ VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Lá thư của bà Vũ Hoàng Chương 
Ông Lưu Tuấn Giao và bà Thục Oanh chụp năm 1990 - Ảnh nhân vật cung cấp
Mùa hè năm 1999 khi tuổi đã xế chiều, bà Thục Oanh, tức vợ nhà thơ Vũ Hoàng Chương, lại gửi một lá thư từ TP.HCM ra Hà Nội cho cháu để tiếp tục nhắc nhớ chuyện này.
Ông Giao cân nhắc mãi mới chuyển tôi lá thư vì đối với ông, đó là kỷ vật đặc biệt của gia đình. Đây cũng là lần đầu tiên lá thư được công bố...
“Lén” cứu đói
“Năm 1945 là năm đói kém. Do ruộng vườn bị Nhật chiếm trồng đay cho chiến tranh nên dân làng không còn ruộng cấy lúa. Dân quê nhiều vùng không có gạo ăn kéo nhau lên thành phố xin ăn.
Các gia đình buôn bán cũng không thể cung cấp được đầy đủ cho số người đói đông vô kể. Hằng ngày họ lũ lượt từng gia đình kéo nhau đi xin ăn khắp phố phường, có gia đình đông đến bảy, tám người... 
Gia đình cậu Vũ Hoàng Chương buôn bán thóc gạo, nhà ở phố Bến Thóc, Nam Định, ngay đầu bến đò Quan (gần cầu Tân Đệ bây giờ). Những ngày đó nhà cô phải đóng cửa bán hàng.
Cụ Huyện và cậu Chương bàn nhau: Bây giờ mỗi ngày thổi vài yến gạo làm cơm, mỗi nắm chừng ba bát cơm. Cứ mỗi người phát cho họ một nắm, trẻ con người lớn đều nhau. Hôm sau, người nhà đã lục đục thực hành cả đêm, thổi cơm và nắm được hai thúng đầy.
Sáng hôm sau đem ra cửa, cứ người nào đi qua cũng phát cho mỗi người một nắm. Chỉ mới hết một thúng thì người đói biết được bèn xông đến vây kín cửa chen nhau cướp, không để cho mình kịp phát nữa. Sợ quá, mấy người làm vội đẩy thúng cơm ra cho họ và đóng ngay cửa lại.
Cửa hàng làm cánh cửa bằng gỗ, cửa lùa. Sau khi thúng cơm đã cướp hết, họ tưởng trong nhà còn nữa nên đập rung chuyển rầm rầm.
Người nhà phải đứng trên bancông, bắc loa tay nói xuống: “Xin mọi người đến nhà thờ Lớn mà lãnh, ở đấy đang phát chẩn nhiều lắm, ở đây hết cơm rồi...”. Thế là họ ào ào chen lấn nhau chạy cho nhanh đến nhà thờ.
Ngày hôm sau, cậu Chương lại bàn: Phát cơm ở nhà không được, nguy hiểm lắm. Vậy tối nay khi họ đã mệt mỏi, nằm trước các hiên nhà, phố nào cũng có người nằm thoi thóp! Mình sẽ đem cơm nắm bỏ vào bị và ít giấy nhật trình, cứ nơi nào ba người thì gói ba nắm, năm người thì gói năm nắm...
Lúc đó họ đang nằm, mình chỉ việc đặt nắm cơm vào gần chỗ họ nằm, rồi rút lui ngay vào bóng tối đi tiếp đến nhóm khác. Nhớ là chỉ đưa lúc họ đang nằm, nếu họ đứng thì đừng đưa vì sẽ bị đuổi theo giật hết cả bị! 
Hôm đó có cả họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, ông ở Hà Nội xuống Nam Định chơi với cậu Chương vài ngày. Tối đó, ông tham gia đi cứu đói, cũng đeo một bị cói cơm nắm, mỗi người một bị, 8 giờ tối lên đường.
Đầu tiên đi dọc phố Bến Thóc, cả ba người cùng đi một phố, cách nhau chừng bốn thước, nhỡ họ phát hiện là có sứ giả của đội cứu đói đi qua thì mình còn... cứu nhau. Cách làm đó cũng hiệu quả phần nào.
Chỉ đi chừng hai phố và lựa chọn họ nằm mới bỏ gói cơm nắm xuống, mấy lần suýt bị phát hiện. Khi cô quay lại thì thấy hai, ba người đứng phắt dậy, nhìn trước nhìn sau để xem ai bỏ cơm xuống đi lối nào để chạy theo lấy nữa. Nhưng mình đã đề phòng rồi nên vội biến ngay vào bóng tối.
Trải qua một đêm cứu đói hãi hùng, đêm sau không thể tiếp tục nữa. Cụ Huyện, thân mẫu cậu Chương, bèn quyên góp mấy bao gạo vào ban cứu đói của phường Bến Thóc chứ không thể tự làm lấy được...”.
Khóm lúa - thi thể người
Bao thời cuộc thăng trầm của dân tộc đã trôi qua theo dòng thời gian, kể về nội dung lá thư đặc biệt này, ông Giao tâm sự sở dĩ người cô mình là bà Thục Oanh viết tỉ mỉ như vậy vì muốn con cháu không quên thảm nạn kinh hoàng của đồng bào thời ấy.
Một nạn đói kém mà chính ông Giao trong một lần vào TP.HCM thăm cô, đã được bà Thục Oanh tâm sự rằng nhiều năm sau này bà vẫn bị “ma đói” ám ảnh trong giấc mơ. Những hình ảnh đau khổ, tang tóc đến độ chỉ ai chứng kiến mới thấu hiểu, chứ không một bút lực nào tả thực hết nổi.
Lá thư của bà Vũ Hoàng Chương 
Thi thể người chết la liệt vì đói - Ảnh: VÕ AN NINH
Tác giả bức thư viết tiếp: “Sau nạn chết đói thì đến nạn chết no cũng trong năm đó. Vì chịu đói quá, người ta lúc được ăn lại ăn nhiều, ăn cố, bị bội thực cũng chết. Rồi đến bệnh chấy rận, người chết đói, chết no, chết bệnh chấy rận đầy đường.
Sáng mở cửa nhìn ra đường, người chết bệnh chấy rận nằm ngay trước cửa nhà, cô đi chợ phải bước qua thi thể người là thường. Người chết da tím ngắt, tay chân khô như cành củi. Có người chết xung quanh chấy rận bò ra đen ngòm như kiến...
Hồi đó cô thấy thi thể người chẳng sợ gì cả vì nhiều quá nên quen. Suốt ngày có xe và người đi nhặt thi thể, chất đầy xe chở ra nghĩa địa. Người ta đào một cái hố to và sâu, đổ thi thể xuống, rắc vôi bột lên rồi lấp đất chôn, phải rất nhiều hố như thế ở nhiều nơi...
Không chỉ ở thành phố có người đói tìm đến xin ăn rồi chết, mà ngay tại các miền quê người ta cũng chết như rạ. Sau này những thửa ruộng người ta gieo mạ có rất nhiều khóm mạ mọc xanh um khác thường.
Cứ cách vài thước lại có một khóm dài chừng gần hai thước màu xanh thẫm như hình người đang nằm. Đứng xa trông rõ và đếm được từng khóm. Người ta bảo đấy là những người chết đói được chôn vùi xuống ruộng nên chỗ đó có thịt người, có nhiều chất nuôi dưỡng cây mạ mới tốt thế đấy!
Điều này thì có thật. Tản cư về các làng ở Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Trực, Nam Định, cô thấy rất nhiều...”.
Ban đầu người chết đói còn được người sống chôn sâu, đắp đầy. Nhưng về sau người chết nhiều quá, trong khi người may mắn chưa chết thì dần lả đi vì suy kiệt nên họ không còn sức để chôn cất tử tế.
Ở làng quê, người ta cứ khiêng thi hài ra đồng vùi xuống, lấp ít đất sơ sài để chim chuột khỏi ăn, khỏi phải thấy cảnh đau lòng. Khi chuẩn bị vụ lúa mới, nhiều khi lưỡi cày đụng cả thi thể người.
Trên cánh đồng cứ khoảnh nào xanh tốt rộng khoảng nửa mét, dài gần 2m, ngọn lúa sum sê vọt cao lên như nấm mộ xanh là chỗ ấy có thi thể nằm bên dưới. Thậm chí đến ba vụ lúa sau, hình ảnh này còn lặp lại rồi mới mờ dần đi...
Câu chuyện những khóm lúa - thi thể người không chỉ có bà Thục Oanh, vợ thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tỉ mỉ kể lại, mà rất nhiều chứng nhân cao tuổi khác cũng còn ám ảnh này.
Giáo sư sử học Văn Tạo tâm sự năm Ất Dậu 1945 xảy ra nạn đói, ông 19 tuổi nên biết rất rõ thảm nạn kinh hoàng.
Nhà ông ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cũng nấu cháo, nắm cơm phát cho người đói tìm đến xin ăn nhưng không thể nào xuể được. Chính dòng họ ông cũng có nhiều gia đình bị chết đói gần hết.
Thậm chí sau bao nhiêu ngày phải nhịn, người ta được bưng lại chén cơm ăn rồi lăn ra chết vì bao tử bục ra, ruột gan cũng không còn hoạt động được nữa. 
Nguồn :  Tuổi Trẻ 07/09/2016 11:03 GMT+7

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..