10 thg 4, 2012

MỘT BUỔI SÁNG Ở HUẾ


     ĐI TẬP THỂ DỤC DỌC BỜ SÔNG HƯƠNG
         Tôi thức giấc lúc nhưng không dám ngồi dậy vì trong nhà chưa có ai dậy cả.Trời vẫn còn tối.Ánh sáng vàng vọt của các bóng đèn đường thưa thớt không đủ thấy rõ mặt đường,chắc nó chỉ có tác dụng dẫn đường cho những ai đi khuya.Tiếng xe máy rền vang giòn giã lướt qua nhà phá tan sự tĩnh lặng của khu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm đang say ngủ. Nhìn đồng hồ thấy mới  4g sáng thôi.Ai mà đi đâu sớm thế nhỉ ?
       Phải đến 20 phút sau,đến khi anh Dinh dậy thì chúng tôi mới cùng ra ngoài sân đánh răng súc miệng bên lu nước cạnh nhà.rồi bắt đầu đi bộ thể dục dọc theo con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ra bờ sông Hương về hướng chợ Đông Ba.
       Suốt con đường,mùi hương nguyệt quế từ vườn nhà ai thoảng ra thơm lựng mũi.Gió từ sông thổi vào mát rượi.Tiếng nước vỗ nghe dạt dào nhẹ và êm đềm làm sao!Toàn cảnh sông Hương chỉ tuyền một màu xanh đen thẫm,láng một lớp ánh bạc lung linh,nhấp nhô theo từng con sóng nhỏ.


       Bên bờ kia là Cồn Hến đang nằm co ro trong một lớp áo gió màu xanh đen đặc tạo nên bởi hàng cây bao boc xung quanh,tìm mãi không ra một đóm sáng.Có lẽ Cồn Hến đang say ngủ.Xa xa về phía cầu Trường Tiền,những đốm sáng  lập loà của các toà cao ốc soi mình trên dòng Hương tạo thành những vệt sáng lung linh mờ ảo.Phía cầu Chợ Dinh vẫn đang im lìm bỗng xuất hiện tiếng phành phạch to dần của một vài con đò máy đang lướt dần về phía chợ Đông Ba.Bầu trời Huế vẫn còn đang ngái ngủ vội thức giấc soi sáng cho mọi thứ trên trần gian này.


      5h đúng.Bình minh ló dạng xua tan cái bóng đêm đang còn nấn ná ở tận cùng mọi  ngõ hẹp.Tiếng chân người đã bắt đầu rộn rã trên mọi nẻo đường.Có những người ra bờ sông để hít thở bầu khí Huế trong lành lúc tinh mơ.Những chiếc xe thô sơ vội vã ngược xuôi mang hàng ra chuẩn bị bán quà sáng cho khu phố cổ.Vạn vật đã lấy lại sinh khí sau một giấc ngủ đẫy đà mộng mị.
 
         THƯỞNG THỨC BÚN BÒ HUẾ CHÍNH GỐC

         Đi tập thể dục về,tôi ngồi nghỉ để hồi sức và cũng là để ngắm nhìn phố sá trước cửa nhà.Bỗng một chiếc xe ba gác lạch cạch dừng lại.Người đàn ông vội vã mang những thứ trên xe xuống đặt ở bên trái sân nhà.Đó là một tấm bảng hiệu nhỏ màu xanh vẽ tay những dòng chữ đỏ khiêm tốn : “Mừng – BÚN BÒ - GIÒ HEO - CUA CHẢ VỊT – Kính mời”.Cạnh đó là một tủ kính nho nhỏ rồi một số bàn ghế nhựa màu nâu đỏ bạc màu và lỉnh kỉnh vật dụng bếp núc nồi niêu,rổ rá . . .
        _Chào các bác ! Các bác ra chơi Huế à ?”
        Bà chủ quán tên Mừng sởi lởi hỏi thăm chúng tôi khi thấy nhà hôm nay bỗng có người lạ.
        _Vâng,chào bà! Chúng tôi về đây thăm gia đình ...
         Vợ chồng bà Mừng thuê sân trái nhà của anh Quý Hiếm cũng đã lâu để bán hàng ăn sáng cho người trong khu phố.Bà vội vã mang vịt ra cắt tiết,nhặt lông bên cạnh lu nước, tranh thủ lúc ông chồng đang nổi lửa nấu nồi nước lèo to đùng đàng trước.Thế là sáng nay chúng tôi không phải đi đâu xa,bún bò đã mang đến tận miệng.


  .
       Bún bò Huế là món ăn đặc biệt truyền thống Huế có mặt khắp nơi không kể giàu nghèo sang hèn.Nói một cách thiển cận,người ta tổng hợp bò trong phở bò nổi tiếng xứ Bắc ,giò heo trong bánh canh giò heo trong Nam nấu pha với ruốc Huế ở tại chỗ.Và để chế ngự các chất liệu đối kháng nhau người ta cho vào đấy vài củ sả và ớt sa tế để dung hợp. Tất nhiên phải có bún sợi to chứ không nhuyễn nhỏ. Gia vị là hành tây,hành ta,ngò, tiêu,chanh,ớt,rau rác đủ loại như bắp chuối,rau muống bào,giá sống,rau quế, tía tô, húng lủi. . . Đấy là cái văn hoá ẩm thực tổng hợp ba miền,thể hiện vai trò trung tâm văn hoá khi Huế được chọn là kinh đô trước đây.Bún bò Huế có mặt trong cung đình và khắp hang cùng ngõ hẹp xứ Việt,rồi theo chân người Huế ra hải ngoại góp phần làm xán lạn cái văn hoá ẩm thực người Việt.Vừa rồi cơm tấm và bún bò là hai món ăn hè phố Việt Nam từng được trang web CNNGo.com bình chọn là những món ngon được bạn bè nước ngoài yêu thích .
        Tuy nhiên bún bò dừng chân ở đâu thì nó được chế biến khác đi cho hợp khẩu vị người vùng đó.Ngay cả trong Thành Huế các hiệu ăn cũng nấu khác nhau theo cách riêng của mình.Còn ở đây cứ xem cái bảng hiệu thì có thể biết,tô bún bò Huế quán bà Mừng cho thêm chả cua hoặc cái đùi vịt nếu khách kêu.
          Bà Mừng hôm nay vui mừng ra mặt vì đã được các người khách phương xa đến  mở hàng.Bốn tô bún bò thơm lừng bốc khói nghi ngút được bưng ra,ai ăn cũng xì xụp khen ngon ở cái vị mặn ngọt chua cay đậm đà rất  đặc trưng Huế.Và cái giá trả rất phải chăng là 100 ngàn,bao gồm 4 tô và một cái đùi vịt gọi thêm.

          THĂM CỒN HẾN - ĂN CƠM HẾN

          Hôm trước tôi có giới thiệu với các bạn về Cồn Hến trên sông Hương,nhưng để dành đến hôm nay trong bài này mới xin được nói nhiều về Cồn Hến và cơm hến.
         Cồn Hến mang tên đúng nghĩa đen của nó,là nơi tụ họp sinh sống của họ nhà hến trôi dạt trên sông Hương từ thời xửa thời xưa.Cái của trời cho này dân cồn cứ việc vớt lên xài,không phải nuôi trồng chăm sóc gì cả.Ấy vậy mà có thời hến buồn lòng người “chỉ biết ăn chơi chẳng biết gì ”,nên đã bỏ bãi ra đi nơi nào không biết,báo hại dân cồn một phen đói khổ thảm thương.Sau nhờ một vị quan nổi tiếng biết chuyện,bày cho dân làng cồn lập đàn cúng bái long trọng,trời thương mới bảo hến về lại cồn. . .Từ đó dân trên cồn cứ lệ hàng năm tổ chức lập đàn cúng Tổ nghề hến vào 2 ngày 24-25/6 âm lịch rất linh đình.



          Dân Cồn Hến chủ yếu sống nghề khai thác hến để chế biến thực phẩm.Các món ăn từ hến ra đời cách đây khoảng 200 năm,vào thời vua Gia Long. Lúc đầu hến là món ăn cải thiện cuộc sống dân dã,sau vào cung đình vua Thiệu Trị thấy ăn ngon mà người làm hến lại vất vả nên đã ra chỉ dụ miễn thuế cho nghề này.Đến giờ, món ăn từ hến đã tiếp cận với giới thượng lưu bởi cách nấu điêu luyện, cho ra các món ngon lạ lại hết sức rẻ.Ngoài việc cào hến, người dân trên cồn còn trồng thêm bắp là nguồn lương thực chính.
           Đến thăm Cồn Hến người ta không thể ngờ rằng đây là một khu công nghiệp chế biến hến thật sự,nhà nhà làm hến,người người làm hến.Các quán cơm hến chè bắp dày đặc như thể một khu chuyên doanh món ăn hến của kinh thành Huế vậy.



         Đi đâu trong khắp thành phố Huế cũng gặp gánh cơm hến.Đa số thực khách là những người dân nghèo lam lũ,học sinh sinh viên ăn cho chắc bụng mà chẳng lo túi tiền có đủ hay không.Có gì đâu : một ít cơm nguội để qua đêm chan với nước luộc hến,một muỗng cà phê hến xào,vài miếng bánh phồng,vài hột đậu phộng rang và vài ba cọng rau thơm,ớt sa tế . . . là xong.Thế nhưng nước luộc hến dùng phải nghe mùi thơm của hến,nấu đủ sôi để chan vào cơm nguội ăn vừa đủ nóng, và hẳn nhiên phải có vị đậm đà của ruốc Huế hoà trộn vào.Cái chính của cơm hến là nước hến,nên khi ăn cơm mà chán thì người ta có thể thay đổi mì gói,bún,phở,cháo hến.Hến mộc mạc thân thuộc với Huế như một câu ca dao :

                                     “Thương thay con hến con sò
                                       Nắng mưa chịu vậy biết bò đi đâu”




          Dạo chơi trên Cồn Hến,chúng tôi tìm được một quán ăn sân vườn khá tươm tất,tên “Hoa Đông”.Khi biết chúng tôi từ phương xa tới,bà chủ quán giọng Huế ngọt ngào niềm nở : “Mời các anh vào dùng thử món cơm hến nhà em ạ !” Chưa thưởng thức nhưng qua giọng ngọt ngào của bà chúng tôi đã cảm nhận được cái ngon của tô cơm hến do bàn tay khéo léo của người chủ quán trực tiếp chan múc và bưng tới tận bàn.




       Và ăn như thể chưa đã,chúng tôi gọi thêm tô bún hến xem có khác gì với cơm hến,và thêm nữa ly chè bắp cho đủ vị ẩm thực của làng Cồn Hến.Thú vị biết bao khi nhìn thấy khăn giấy chùi miệng ở đây được cắt xếp đẹp mắt,và khuyến mại thêm bình trà đá thơm ngát mùi gừng.




           Qua Cồn để ăn một tô cơm hến cho đúng chỗ,nghe một giọng Huế đúng điệu,cuộc hành trình thăm Huế mang lại một cảm xúc tuyệt vời đến giờ về Sài Gòn khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn không quên.
                                                                                                                           TTQ

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..