19 thg 4, 2011

"Cụt hai tay vẫn đi xe máy mưu sinh"

Vài tháng nay người dân thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) thường thấy một người đàn ông cụt hai tay nhưng chạy xe máy chở vợ con trên đường. Cảnh sát giao thông thấy cũng "không ý kiến" nên sự việc khác thường đó đã trở thành chuyện bình thường .Người ta suy đoán cảnh sát không thổi còi vì bởi dù cụt tay nhưng ông chạy xe rất vững, không hề phạm luật trên đường và cũng có thể do nhân viên công lực đó có tấm lòng bao dung cảm thông.
Theo lời kể của tác giả Thiên Phước trên VnExpress ngày 18 tháng tư năm 2011,người ta biết được người đàn ông cụt hai tay đó tên Trần Đại Nghĩa sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở phường 5, TP Sóc Trăng.Do nhà nghèo nên Trần Đại Nghĩa không được học hành đến nơi đến chốn.Tới tuổi trưởng thành, ông Nghĩa lấy vợ, chạy xe ôm quanh quẩn ở thành phố.

.................. ............Ông Nghĩa cụt hai tay vẫn lái xe ào ào trên phố.
......................................................................... .....Ảnh : Thiên Phước.
Mười năm trước, vào chiều cuối tuần, ông đến quán cà phê của chị Đào để đón bà chủ quán vốn là mối khách quen. Trong lúc chờ, chị Đào nhờ ông sửa một bóng đèn. Không ngờ, cầu dao điện dù đã cúp nhưng vẫn bị rò rỉ giật ông bất tỉnh. Khi tỉnh dậy ông thấy hai cánh tay đã bị cắt cụt gần đến cùi chỏ.
Dù rất buồn nhưng nhờ sự động viên của vợ nên sau khi xuất viện một tháng ông đi nhận vé số bán kiếm tiền nuôi vợ con. Những ngày đầu cầm vé bằng hai cùi tay không quen, vết thương còn đau nên thường xuyên bị rớt nhưng sau đó ông Nghĩa cũng quen dần.
Năm ngoái, thấy đứa con trai kế vào lớp một, đứa út vô mẫu giáo mà trường lại xa nhà nên ông bàn với vợ tích cóp tiền mua một “con ngựa sắt” với giá 2 triệu đồng để mang về tìm cách chạy xe đưa con đi học. Sau nhiều ngày tính toán, ông Nghĩa kêu thợ hàn 2 càng inox gắn với một vòng tròn phía trên rồi hàn dính vào 2 bên tay lái.Hai càng lái bằng inox do ông Nghĩa nghĩ ra rồi kêu thợ hàn để ông điều khiển “con ngựa sắt” đi bán vé số, chở con đi học và chở vợ đi chợ.
Phía cần lái bên phải, ông Nghĩa cho hàn thêm một vòng tròn nhỏ rồi bắt dính với sợi gây ga của xe máy. Vòng tròn nhỏ này vừa để ông Nghĩa thọc cùi tay phải vào rịch lên, đẩy xuống để tăng giảm tay ga. “Lúc đầu cứ tưởng sẽ đau hai cùi tay nên dự phòng theo miếng vải quấn lại nhưng sau đó thấy không sao nên bỏ vải ra tập chạy riết rồi quen đến bây giờ”, ông Nghĩa vui vẻ nói.
Nhờ chạy xe được nên mỗi ngày ông bán trên 100 tờ vé số. Hôm nào gặp người quen kêu chạy xe ôm ông cũng làm vài chuyến xe để tăng thu nhập. Ông Nghĩa nói dù hai tay bị cụt, cuộc sống còn khó khăn, phải thuê nhà trọ để ở nhưng ông sẽ cố gắng lo cho các con ông ăn học đến nơi đến chốn.
Thông tin loan truyền rất nhanh khi trang web Yahoo Tin tức đăng tải với tựa đề “Câu chuyện người đàn ông cụt hai tay vẫn đi xe máy mưu sinh”.Dư luận trên báo mạng xôn xao với nhiều ý kiến nhận xét khác nhau. Sôi nổi gia tăng khi báo Thể thao – Văn hóa cho đăng bài viết “Cụt hai tay đi xe máy: Phi thường hay bất bình thường?”của tác giả Ngô Khởi.Nguyên văn bài viết như sau :
(TT&VH) - Trước hết đó là điều rất khác với bình thường. Điều khiển một chiếc xe máy không phải là điều quá khó khăn, nhưng ai đi xe máy ra ngoài đường cũng đều phải có đủ... hai tay hai chân cả, đó là điều kiện tối thiểu. Anh còn phải có bằng lái (nếu là xe mô tô) và chưa kể, nếu đi đường Hà Nội hay TP.HCM, anh còn phải luôn tỉnh táo để nhường đường cho những kẻ phóng nhanh vượt ẩu hay những chiếc xe điên – vốn nhan nhản trên các đường phố (cứ xem các thông tin tai nạn giao thông hàng ngày thì biết). Có người nói vui, tham gia giao thông bây giờ cứ như đi du lịch mạo hiểm, mỗi ngày về được tới nhà an toàn là coi như “thoát chết trở về”.
Bởi thế, tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc những thông tin về “Người đàn ông cụt hai tay vẫn đi xe máy mưu sinh”. Cụ thể bị khuyết tật hai tay nhưng người đàn ông 41 tuổi Trần Đại Nghĩa (P5. TP.Sóc Trăng) vẫn ngày ngày đưa đón con đến trường, bán vé số. Thi thoảng, ông cũng chạy vài chuyến xe ôm kiếm tiền tăng thu nhập. Bài báo còn mô tả chi tiết hơn: “Cảnh sát giao thông thấy cũng “không ý kiến” bởi dù cụt tay nhưng ông chạy xe rất vững, không hề phạm luật trên đường. Tiếp theo đó, bài viết mô tả cách ông Nghĩa “chế” ra các thiết bị để hai cánh tay cụt có thể điều khiển được chiếc xe máy một cách dễ dàng.
Quả là... khác thường, nhưng có thực sự là phi thường không? Chưa nói đến các quy định trong Luật Giao thông, chỉ xét dưới góc độ... nghệ thuật xiếc thôi, thì thực ra, việc điều khiển một chiếc xe gắn máy mà không cần tay cũng không phải là điều gì ghê gớm (dĩ nhiên là đang nói từ góc độ nghệ thuật xiếc). Loài gấu, khỉ cũng có thể chạy xe gắn máy vù vù trên sân khấu tròn, thậm chí có thể... nhào lộn trên xe nếu được huấn luyện (không tin mời bạn đến sân khấu xiếc). Còn trong đời, chúng ta chả lạ gì cảnh cô gái lái xe máy bằng chân đầy kinh hãi trên QL5 cách đây ít lâu.Song giữa việc đi được xe máy với việc lái xe an toàn là hai việc hoàn toàn khác nhau và cách nhau đến một trời một việc. Chúng ta đều hiểu rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới quốc nạn giao thông (11.000 người chết mỗi năm như con số vừa đưa ra cuối tuần qua) chủ yếu là từ phía chủ quan (ý thức, năng lực) của người tham gia giao thông.Vì thế, ông Nghĩa có thể lên sân khấu trình diễn một màn đi xe máy bằng hai cánh tay tật nguyền của mình để nhận được sự khâm phục ít nhiều của công chúng. Nhưng chắc chắn rằng ông sẽ không đủ năng lực để lái xe máy an toàn trên đường phố, vì chiếc xe máy được thiết kế ra không dành cho những người bị mất, dù chỉ là 1 cánh tay. Luật pháp cũng không cho phép ông điều khiển xe máy trong điều kiện sức khỏe như vậy (còn nếu ông muốn tham gia giao thông thì đã có những phương tiện chuyên dụng dành cho người khuyết tật). Xin đừng lẫn lộn giữa hai điều này.Ngày nào đọc báo, xem tivi, nghe đài chúng ta cũng nghe ít nhất một vụ tai nạn giao thông và trung bình một ngày có tới 30 người chết vì quốc nạn này, chưa kể những người bị thương. Những người gây ra hoặc chịu hậu quả đau lòng ấy đa số đều... lành lặn hai tay hai chân cả, thế mà còn không thoát. Vì thế, chúng ta càng không nên “biểu dương, khuyến khích” ông Nghĩa “mưu sinh” theo cách ông đang làm bây giờ, vì sự an toàn của chính ông và của tất cả mọi người.
Còn nhớ dăm bảy năm trước, báo chí cũng hết lời xưng tụng ông lão mù chở đò (bằng cách kéo dây thừng) như một tấm gương phi thường, vượt khó. Không ai phủ nhận nghị lực của ông, nhưng những bài học về lật đò, đắm đò đã quá đủ để chúng ta duy trì những “tấm gương” như thế này (Về sau xã đã yêu cầu thân nhân ông phải đứng ra làm “lái chính”).Sự phi thường chứa đựng những điều bất bình thường phải “stop” lại ngay tức khắc.
Câu chuyện người đàn ông cụt hai tay vẫn đi xe máy mưu sinh này vẫn đang nhận được hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng để ông Nghĩa tiếp tục chạy xe sẽ có thể nguy hiểm cho chính ông và người trên đường; một bên cho rằng ông không vi phạm luật giao thông vì đi xe dưới 50 phân khối và miễn ông chạy an toàn là được.
Riêng cá nhân tôi ,đưa câu chuyện này lên blog ,tôi “không đặc biệt hâm mộ”cũng như không thấy quan điểm của tác giả Ngô Khởi “có tính thuyết phục đặc biệt” nào cả khi ông cho rằng “ông Nghĩa sẽ không đủ năng lực để lái xe máy an toàn trên đường phố, vì chiếc xe máy được thiết kế ra không dành cho những người bị mất, dù chỉ là 1 cánh tay. Luật pháp cũng không cho phép ông điều khiển xe máy trong điều kiện sức khỏe như vậy.”Lý do là ông Nghĩa một con người bất hạnh nhưng không bi quan chán nản mà biết phấn đấu vượt lên số phận tìm ra phương cách để mình không là gánh nặng cho người thân.Thật đáng khâm phục một con người hai tay bị cụt nhưng vẫn lái được xe gắn máy mưu sinh, chở con đi học và chở vợ đi chợ.Tất cả bi lụy, thất vọng hay chán đời lẽ ra phải có ở một người bình thường khi họ mất đi hai bàn tay thì người ta chỉ thấy ở ông Nghĩa một nghị lực phi thường khiến trong ánh mắt mọi người ông không phải là người phế tật ăn bám mà là sau tai nạn ông vẫn còn ham sống , vẫn là trụ cột trong việc mưu sinh của gia đình.Có lẽ nào thay vì động viên cổ vũ một con người bất hạnh nhưng đầy quả cảm phi thường chúng ta lại phê phán ông chỉ vì âu lo ông sẽ không đủ năng lực để lái xe máy an toàn trên đường phố.Quan tâm và lo lắng sự an toàn cho người khác và cộng đồng là một thiện ý nhưng trong bài viết ,tác giả lại đi quá xa khi phê phán lên án việc làm của một con người bất hạnh đang thể hiện mình là con người "tàn" mà không "phế" với quyết tâm cao.Đáng trách hơn khi tác giả bài viết trên khi so sánh việc ông Nghĩa lái xe máy với thái độ rất mỉa mai : ” Loài gấu, khỉ cũng có thể chạy xe gắn máy vù vù trên sân khấu tròn, thậm chí có thể... nhào lộn trên xe nếu được huấn luyện…”Tôi không biết tác giả có quá đà chăng khi nhẫn tâm so sánh méo mó ,vô cảm như vậy hay đó chỉ là một hư chiêu để gây phẫn nộ, bất bình trong dư luận và như thế là tác giả đã thành công vì tên tuổi và tờ báo đã được đánh bóng nổi đình , nổi đám đúng như ý đồ toan tính của mình .Nếu quả vậy thì chính bài viết của tác giả Ngô Khởi mới “ bất bình thường “ đáng bị phê phán.

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..