9 thg 7, 2012

Nhạc sĩ Lê Hoàng Chung và ngôi nhà cổ nhất Phan Thiết


                            Nội thất góc làm việc của nhạc sĩ Lê Hoàng Chung 
                                  trong ngôi nhà cổ nhất Phan Thiết
           Người Phan Thiết hầu như ai cũng biết ngôi nhà tọa lạc tại số 1 đường Phan Bội Châu là ngôi nhà cổ khoảng 300 năm bởi dáng nét kiến trúc và phong hóa qua thời gian của nó. Song, ngôi nhà dựng vào niên đại nào, nguyên gốc chủ nhân là ai, thì… chưa rõ, chỉ biết rằng trước đây chốn này được gọi là thôn Thành Đức, phủ Hàm Thuận, một người tên Trần Loan thuộc bang Triều Châu được cha mẹ để lại ngôi nhà đó và ông đã bán nó cho ông Lý Thụy Xuân vào ngày 12 tháng 12 năm thứ 2 Duy Tân. Sau đó, ông Xuân lại bán ngôi nhà này cho ông Huỳnh Ngọc Điển (theo giấy bán đoạn nhà đất lập ngày 28 tháng Giêng năm thứ 3 Duy Tân). Hiện, cháu nội của ông Điển là bà HuỳnhThị Bảo Hòa (74 tuổi) cùng chồng là ông Lê Hoàng Chung và con cháu đang thừa kế.Như những ngôi nhà cổ khác ở miền Trung,ngôi nhà này kiến trúc theo dạng nhà “rường”, ba gian hai mái, lợp ngói âm dương, ngăn cách giữa lớp ngói với hàng ruôi là một lớp “sịa” (tức vỉ tre). Trên ba gian nhà trước có gác bằng ván là nơi để bày đồ thờ cúng. Có dịp ghé vào thăm ngôi nhà cổ này, mọi người ắt sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy những kỷ vật tự ngày xửa ngày xưa mà bà Hòa và ông Chung hằng trân trọng gìn giữ mãi tận hôm nay: Này là chiếc xa thời trai trẻ ông Huỳnh Ngọc Điền vẫn kéo sợi,này là chiếc ghế “xích đu” bằng mây mà ba của bà Hòa thường ngồi thư giãn lúc rảnh rang, và kia là chiếc nôi mây từng đung đưa giấc ngủ bà Hòa từ khi mới lọt lòng mà sau này nó vẫn nguyên vẹn là vành nôi ấm áp ấp ủ hai thế hệ con cháu bà. Thời gian cùng thiên tai đã làm cho ngôi nhà ngày một hư hỏng, tường xiêu, ngói tốc. Có lẽ đã đến lúc ngôi nhà sẽ chỉ còn là ký ức trong lòng con cháu họ Huỳnh, song như Lê Bảo Châu - chắt ngoại của ông Điển tâm sự: Dù có xây lại ngôi nhà đi nữa, chúng tôi vẫn dành một phòng trang trọng để lưu giữ tất cả kỷ vật của cha ông để lại. Trong ngôi nhà ấy, hiện diện một nhân vật cũng hết sức cổ kính đã và đang viết nên những tác phẩm hẳn sẽ tồn tại trong lòng người Phan Thiết như những ngôi nhà cổ được bảo tồn. 

                         Nơi ngôi nhà cổ,học trò cũ thường xuyên lui tới
                      thăm nhạc sĩ Lê Hoàng Chung
           Nhạc sĩ Lê Hoàng Chung, năm xưa sáng tác nhạc phẩm “Phan Bội Châu hành khúc” đã được chọn làm bản nhạc truyền thống của trường và luôn in sâu vào ký ức của hàng vạn học sinh bao thế hệ.Dưới đây là lời trần tình của blogger Nguyenuthang, một cựu học sinh, khi về trường dự kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Phan Bội Châu :
         “Quốc ca vừa dứt ,tiếng hô từ người điều khiển chương trình cất lên:“Phan Bội Châu hànhkhúc !”Hàng ngàn tiếng hát lại vang lên cuồn cuộn như nước suối trong nguồn tuôn trào xoáy vào tâm hồn những những người học sinh PBC lớp trước như tôi :
                     Học sinh Phan Bội Châu tiến lên đi !
                     Dù đường trường xa vai sánh vai không ngại gì ! …
                     Học sinh Phan B ội Châu chí cương kiên !..
      Thêm một ngạc nhiên nữa đến với tôi. Đây là bài hát rất quen thuộc do thầy Lê Hoàng Chung sáng tác. Nó thường được hát nối tiếp sau bài quốc ca trong buổi chào cờ. Tưởng đâu sau ngày Tổ quốc thống nhất bài hát không còn được hát nữa vì bây giờ các trường con tôi học mỗi lần được mời dự lễ khai giảng không thấy trường nào cho học sinh hát bài nào nhắc nhở các em về nhân vật anh hùng hay danh nhân văn hóa mà trường vinh dự mang tên cả. Hôm nay lời bài ca “Phan Bội Châu hành khúc” đã bao lâu chẳng được nghe lại bỗng vang lên hào hùng, đầy khí thế, có tác dụng như một dòng suối trong lành tưới mát tâm hồn những người nhiều năm xa cách trường.Tôi nghe mà như uống ngọt giọng từng lời ca bởi bài hát khơi gợi ở tôi bao kỷ niệm da diết, khó quên của tuổi học trò .
       Các năm học lần lượt trôi qua. Xa trường rồi, tôi không thể nào quên được hình ảnh những thầy cô và bạn bè đã cùng sống chung dưới mái trường Phan Bội Châu thân yêu. Mỗi thầy cô đều là thần tượng kính quý của học sinh thế hệ chúng tôi thế nhưng không hiểu sao ấn tuợng với tôi nhất lại là những người dạy mình các năm đầu cấp 2, tiêu biểu như thầy Mão, thầy Tiến, thầy Chương, thầy Mậu, thầy Hoàng Chung... Ra trường rồi, mỗi lần hồi tưởng lại, tôi vô cùng tự hào và biết ơn các thầy cô, những mong có cơ hội được gặp lại.
       May mắn đã đến với tôi khi thầy Lê Hoàng Chung ra mắt tuyển tập nhạc “Dòng thời gian” tại thành phố Hồ Chí Minh. Dù xa cách đã mấy chục năm nhưng tôi nhận ra thầy ngay: vẫn khổ người cao gầy với khuôn mặt xương xương và cái dáng ung dung, nhẹ nhàng không thể lẫn với ai được. Tôi lại bên chào và tự giới thiệu. Thầy lộ vẻ rất mừng khi gặp lại học trò cũ, vồn vã đưa tay bắt. Nhìn ánh mắt rạng rỡ và nụ cười tươi tắn nở trên khuôn mặt đã nhiều nét nhăn của thầy, nỗi xúc động xen lẫn thương cảm dấy lên trong lòng tôi. Trên đường về, cầm tập nhạc “Dòng thời gian” có chữ ký lưu niệm của thầy trên tay, tôi thầm nghĩ thầy đã tuổi cao, sức yếu như ngọn đèn trước gió, biết có còn dịp gặp lại?”
        Lại tâm sự của 1 blogger khác với nick là “ka”: 
      “Một lần đi karaoke, thấy mấy câu "Anh hát cho em nghe bài tình ca phố biển...", nhớ thầy! - Hôm đó, hiếm hoi được bữa đi học sớm, thay vì kiểm tra đàn thì thầy lại lấy ra 1 bài hát. Nếu nhớ không lầm thì lúc đó Tình ca Phan Thiết được đăng trên báo Bình Thuận, và nghe nói là sắp có mặt trên báo Phụ Nữ Tp.HCM. Thiệt tình là hơi khó hát, vì không giống kiểu của mấy bài Nhớ ơn thầy cô... hay nghêu ngao giờ văn thể mỹ, hihi...”
       Như những nhạc sĩ thành danh của Phan Thiết, tác giả Lê Hoàng chung đã sáng tác rất nhiều bài về quê hương mình và đều để lại dấu ấn mỗi khi thành phố hân hoan đón nhận sự thay da đổi thịt, đặc biệt như ca khúc: "Phan Thiết - thành phố trẻ" chào mừng 5 năm Phan thiết lên thành phố. Hơn nữa bài hát “Tình ca Phan Thiết” thường xuyên được phát sóng trên Đài truyền hình truyền thanh và đã được đưa vào Tuyển karaoke Việt Nam năm 2008 Thành công của nhạc sĩ cũng thường gắn liền với thành công của bạn bè. Như trong cuộc thi sáng tác thơ: “Thăng Long - Hà Nội trái tim tôi” do Nhà Văn hóa Thanh niên Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, thi sĩ Huỳnh Hữu Võ đã xuất sắc giành giải Ba với tác phẩm “Hà Nội rơi rơi tiếng Nguyệt Cầm”. Bài thơ có đoạn:
                       “Nguyệt Cầm, Nguyệt Cầm
                        Từng giọt rơi rơi mùa xuân
                        Gió như đưa hương theo từng ngày
                        Cho nhớ thương thêm vời vợi
                        Nguyệt Cầm ngây ngất trong hồn tôi
                        Mùa xuân về trên đôi môi
                        Nguyệt Cầm
                        Mùa xuân về trong tim tôi
                        Nguyệt Cầm
                        Có còn không niềm tin và nỗi nhớ…”
        Bài thơ đã tạo cảm hứng cho 3 nhạc sĩ ở Bình Thuận là Lưu Quang Trung, Phan Anh Dũng và Lê Hoàng Chung phổ lên những giai điệu êm đềm hoài niệm. Các nhạc phẩm đều được chọn đăng vào tuyển nhạc trong chủ đề cuộc thi nói trên.
         Đối với thi sĩ Thái Thanh Nguyên, nhạc sĩ tình cờ tâm đắc chọn phổ nhạc 2 thi phẩm đã từng thành danh, một là bài thơ “Bóng gương” đã gắn liền với sự nghiệp của nhà thơ nhạc sĩ A Khuê Hoàng Phúc, một là bài thơ “Biêng biếc phù du” đã nhiều lần tiêu biểu cho triển lãm thơ Nguyên tiêu tại Sài Gòn. Tuy nhiên, là người “đến sau” nhưng giai điệu của nhạc sĩ Lê Hoàng Chung cũng rất đặc biệt so với các bản phổ nhạc nói trên. Đồng thời “Bóng gương” và “Biêng biếc phù du” đã được hai ca sĩ Công Phước và Công Lâm thể hiện xuất sắc trong clip phỏng vấn nhạc sĩ Lê Hoàng Chung năm 2009 do Đài phát thanh Bình Thuận thực hiện. Ngoài ra, nhạc sĩ còn là một cây bút thơ Đường luật quen thuộc trong các thi đàn trên cả nước, thơ của ông được chọn đăng trong các thi tuyển uy tín như “Bút xưa”, “Tứ phương”, “Sương bờ liễu hạnh”, “Thắp sáng Đường thi”...
          Viết về Phan Thiết, thi sĩ Thái Thanh Nguyên có bài thơ sau:
                                       Cố hương
           Nàng Tấm xưa tuy khoác chiếc áo cát vàng óng ánh
           em vẫn lọ lem bởi vương nồng mùi cái món thân quen
           mỗi bữa cơm nghèo không thể nào thiếu được
           cùng vết nứt nẻ khô cằn xứ hoang mạc cô liêu
           Yêu em chắc chỉ có chàng say trăng Lầu Ông Hoàng lãng bạt
           vài kẻ ôm đàn viết khúc nhạc quê hương
           hay người lính xa nhà tương tư biển mặn
           và những con người một đời uống nước Mường Giang
           Rồi cô tấm đã gặp hoàng tử trong một ngày nhật thực
           Thị bỗng lên thành áo lụa kiêu sa
           như trong mơ muôn lâu đài hiện lên trên triền cát
           Mùi nồng xưa chìm lắng giữa hương hoa
           Dẫu em thành hoàng hậu ta vẫn tin em là cô Tấm
           thông thái thảo hiền vương giả bao dung
           Chỉ cần em còn giữ lại một vuông nhà cổ
           ta mãi thầm thương gọi…cố hương!
           Trong đó, câu áp cuối đã hàm ý tặng nhạc sĩ Lê Hoàng Chung vậy.
                                                                                          Bảo Anh

Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..