7 thg 9, 2009

Ông Sáu bán báo

....... Hàng ngày tôi thường mua báo của một ông lão ngồi bên lề đường Thành Thái gần lối vào vào bệnh viện 115 .Ngay lần đầu mua báo , tôi đã cảm nhận ông là người tử tế qua cách ăn nói nhỏ nhẹ ,luôn điểm nụ cười trên khuôn mặt hiền hậu đã khá nhiều nếp nhăn .Sáng chủ nhật vừa qua ,trên đường về nhà sau khi đi bộ tập thể dục,thấy ông lão đang lúc vắng khách , tôi ngồi xuống bên cạnh thăm hỏi đôi điều .
.......Ông lão vui vẻ tiếp chuyện tôi ,bảo ai mua báo của mình chỉ một lần thôi là nhớ mặt liền và nhớ cả báo gì người đó mua .Bởi thế những lần sau khách tới mua chưa nói đã thấy ông cầm sẵn tờ báo họ định mua trong tay rồi .Ông nói mình bán báo tại chỗ này đã trên mười năm . Lúc mới ra bán ,ông ngồi sạp có mái che .Nhưng từ khi nghị định 36 ban hành, ông phải dẹp sạp và chấp nhận ngồi bán bên lề đường .
........Nhìn mái tóc bạc gần hết ,hàm răng đã rụng mấy chiếc ,tôi đoán ông khoảng trên dưới 65 tuổi .Nhưng ông cười cho hay mình đã sang tuổi 76 .Tôi hơi ngạc nhiên vì thông thường người lao động vất vả trông già hơn tuổi thực.Vậy mà trước mắt tôi , một ông lão đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà trông vẫn còn rất mạnh khỏe và minh mẫn. Hỏi tên ,ông nói tên thực của mình là Phú nhưng Sáu là tên gọi quen dùng.Nhìn ông lão tuổi tác đã cao mà vẫn còn phải lao động kiếm sống ,tôi thấy thương thương và chợt nhen nỗi nhớ về người cha sớm quá vãng của mình .Tôi nói :” Ông đã lớn tuổi lẽ ra cần được nghỉ ngơi thư giãn mới phải .Chứ bán báo vất vả thế này...”Ông Sáu lắc đầu ngắt ngang lời tôi :”Mấy đứa con tôi cũng từng đòi tôi nghỉ bán ở nhà chơi với các cháu .Nhưng tôi đã quyết còn sức khỏe thì còn làm việc chứ chẳng ngồi không sống nhờ.”Tôi hỏi thăm ông làm nghề gì trước lúc về hưu thì được ông tâm sự :”Trước đây,tôi làm nghề tài xế lái xe khách .Làm nghề này bận rộn từ sớm tinh mơ đến tối mịt ,có khi đèn đường đã lên cũng chưa về nhà .Tuy bận rộn suốt ngày nhưng tôi rất yêu thích nghề lái xe .Hôm nào buộc phải nghỉ do đường sá hoặc xe hư ,tôi buồn bực cả ngày .Ham làm việc riết đã trở thành thói quen không bỏ được.Bây giờ ngày ngồi bán báo vài ba tiếng thì hề hấn gì .Có thể ai đó xem việc bán báo lề đường là tầm thường , nhưng với tôi - nói thật tình - có việc làm như thế này là vui lắm rồi .Tuy thu nhập chả nhiều nhặn gì nhưng tôi sống tự lập được.“
.......Nghe những lời ông nói ,tôi thầm phục một người già nhưng vẫn yêu lao động ,không muốn sống nhờ vả người khác .Tôi hỏi ông :”Khi nghỉ làm tài xế, ông được lãnh lương hưu không ?” Ông Sáu mỉm cười lắc đầu :”Tôi lái xe thuê chú ơi ! Mà lương tài xế xe khách thì vô chừng ,tùy thuộc loại xe và tuyến đường.Vào những năm ba mươi ,bốn mươi tuổi ,nhờ sức khỏe còn sung mãn tôi kiếm sống vững vàng, gia đình gần chục người sống khỏe ru.Khi đó tôi là một lái xe giỏi ,có kinh nghiệm, được hành khách tin tưởng nên chủ xe nào cũng mến .Bây giờ có tuổi xa nghề rồi đôi lúc nghĩ quãng đời ngày trước thấy nhớ làm sao .A, mà nhà chú ở gần đây không ? Cho tôi địa chỉ để chiều nào rảnh tôi tạt qua rủ chú đi chén thịt chó ,ở cái tiệm “Cờ Tây” trong hẻm cách đây mấy trăm mét thôi. Chủ tiệm là con gái thứ ba của tôi đó ! “ Nói dứt câu ,ông Sáu cười khà khà .
......Thấy ông lão tánh tình chân chất ,cởi mở lại vui tính ,tôi cũng vui lây :”Dạ cũng gần thôi, ngay sát hông bệnh viện quận 10 cuối đường Sư Vạn Hạnh .Lúc nào rảnh ,mời ông Sáu ghé chơi. Xin phép hỏi thăm bà Sáu ở nhà khoẻ không ạ ? Gia đình ta được mấy anh chị ?” Ông Sáu chưa kịp trả lời thì có hai người khách dừng xe hỏi mua báo.Ông ra hiệu cho tôi chờ đoạn lấy báo đưa cho khách .Có lẽ đều là khách quen ,họ không nói năng gì chỉ nhận báo rồi đưa tiền ,người một tờ,người hai tờ.Ông thối lại ,nói cám ơn .Ông Sáu xếp các tờ báo cho ngay rồi trở lại câu chuyện :” Mẹ xấp nhỏ mất rồi ,đã 4 năm .Tôi có 7 đứa con,5 gái 2 trai .Nhưng con gái thành đạt hơn ,đứa nào cũng có nhà riêng.Đứa con gái thứ ba khá nhất , có đến 3 căn nhà .”Tôi ngắt lời ông :”Cái chị chủ quán bán thịt chó phải không ông ? “Ông Sáu không trả lời mà hỏi ngược lại tôi :”Chú có tin con gái hưởng phước cha không ? Tôi tin lắm đó .Đứa con gái nào cũng ăn nên làm ra, có nhà cửa đàng hoàng .Trong khi hai con trai vẫn chưa đứa nào có nhà riêng.Thời mẹ chúng còn sống, bà ấy thường nhắc tôi phải biết làm phước vì nhà mình con gái nhiều .Vậy mà nghiệm ra đúng thiệt chú à !Tôi chơi đẹp với cánh tài xế, rộng rãi với mấy chú lơ xe nên hiếm khi xe tôi bị giành khách hay giựt tài .Ai cơ nhỡ,tôi cho mượn tiền chẳng lấy lời.Nói thật chú tin không : lúc còn lái xe có người bạn cùng nghề xế nợ mấy chục triệu không trả, tôi cũng không đi thưa.Bởi tôi nghĩ mình làm dữ ,họ chỉ có nước đi trốn vì làm gì có tiền trả .Bây giờ thu nhập kiếm được từ tiền bán báo,ngoài tiền sinh hoạt góp tượng trưng cho con gái, tôi bỏ tiết kiệm để khi cần mới tiêu chứ không dám xài hoang phí .”Tôi tò mò :”Ông Sáu bán báo mỗi ngày kiếm được bao nhiêu ?”Ông chỉ tay vào đống báo :”Thông thường những báo đắt khách như tờ TT,TN lời 600 đồng/tờ.Các tờ khác thì ít hơn .Ngày tôi bán trung bình từ 100 đến 150 tờ.Tính ra cũng kiếm được khoảng hơn 2 triệu đồng một tháng.” Tôi hỏi thêm :“Công việc lấy báo phải đi sớm chắc khá vất vả ?”Ông xoa tay nhìn mông lung ra đường :”Người già ngủ ít chú à ! Mỗi ngày tôi thức dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng .Làm vệ sinh cá nhân và uống cà phê xong ,đạp xe đến đại lý ở đường Trần Phú thì đã hơn 4 giờ.Tại đây ,tôi nhận báo theo số lượng đã đăng ký rồi mang về xếp lại. Khoảng 5 giờ hơn ,tôi đã phải có mặt ở đây bởi có những khách quen đi làm xa cần mua báo sớm .”
...... Nhìn đồng hồ thấy mình quấy quả ông lão bán báo đã khá lâu,tôi đứng dậy kiếu từ .Ông Sáu vỗ vai tôi nói thỉnh thoảng ghé chơi .Tôi cảm động trước sự cởi mở chân tình của ông lão ,mới quen biết thôi đã xem tôi như người bạn thân thiết .Tôi xin phép được chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm .Ông vui vẻ chấp nhận ngay .Chụp xong ,tôi xiết chặt tay ông và nói : “Chúc ông luôn mạnh khỏe ! Bao giờ ông mới nghỉ bán báo đây ? ” Ông Sáu nở nụ cười hồn hậu nói :”Tám mươi tuổi tôi mới nghỉ bán báo !”

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..