20 thg 6, 2012

Bài văn điểm không

Chú thích:
.............Đầu tháng 3.2007,tôi có post lên Mạng giáo dục (edu. net.vn) một bài viết có tựa đề là "Bài văn điểm không" dựa trên một kỷ niệm trong quãng đời cầm phấn của mình . Mục đích ,ý nghĩa của bài viết thế nào thì nội dung câu chuyện đã thể hiện khá rõ ràng .
Khi bài viết xuất hiện trên edu.net.vn thì Báo Khuyến học điện tử(Dantri.com.vn) đăng lại BVĐK với cái tit ''Nỗi ân hận điểm không'' kèm nhận định "Những người thầy hôm nay đã bao giờ có những nỗi ân hận tương tự thế? "(Lê Châu-Dân Trí).Liền sau đó cũng trên báo Khuyến học ,pv MM lược trích BVĐK theo edu. net.vn với tít khác "Đi tìm tác giả bài văn điểm 0".
Sau khi báo DT đặt thành vấn đề như thế thì nhiều diễn đàn báo mạng và các blogger đã đăng tải lại và nêu những nhận định khác nhau nhưng tác giả viết BVĐK không lên tiếng nên dư luận vẫn không biết tác giả bài viết thực sự là ai.Gần một năm rưỡi trôi qua ,tưởng sự việc sẽ chìm vào quên lãng nhưng mới đây ,pv MM báo DT, qua sự phát hiện từ một học trò cũ ,đã lật lại vụ việc và đăng liên tiếp mấy bài trên diễn đàn giaoduc-khuyenhoc mà dưới đây là nguyên văn.

nguyenuthang
Thứ Hai, 19/03/2007 - 8:00 PM

Đi tìm tác giả bài văn điểm không


(Dân trí) - Những lời dưới đây được viết ra từ mong muốn của một người thầy giáo già. Hàng chục năm trôi qua, bài văn điểm 0 mà ông lỡ “cho” cậu học trò ngày nào giờ đã úa vàng, nhưng trong lòng ông vẫn đau đáu một niềm ân hận khôn nguôi. Ông hy vọng cậu học trò ngày ấy đọc được những dòng này và thầy trò sẽ có dịp hội ngộ. Những dòng tâm sự của người thây giáo già tên Tân từng dạy học ở Đồng Nai được một thành viên trên Diễn đàn Giáo dục có nickname là nguyenuthang gửi lên. Dân trí xin phép trích đăng lại với mong muốn “Câu chuyện chỉ là kỷ niệm riêng tư của một người thầy song cách nhìn, cách suy nghĩ củaa ông lại gợi mở cho chúng ta một vấn đề thuộc phạm trù tâm lý giáo dục có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp trồng người” - đúng như bạn nguyenuthang đã viết :

.............“Ông Tân trầm ngâm đứng nhìn tủ sách cũ. Thật khó khăn khi phải loại bỏ những quyển sách đã gắn bó với ông trong quãng đời dạy học. Đang phủi bụi cho một quyển sách dày, ông Tân thấy một tờ giấy tập gấp đôi từ bên trong rớt ra. Vừa thoáng nhìn, lòng ông bỗng chùng lại. Giấy đã ố vàng nhưng ông vẫn nhận ra đó là một bài làm văn cũ của học trò. Tuy ngày tháng ghi trên giấy đã rất lâu nhưng tên, điểm và lời phê vẫn rõ ràng. Đây là bài làm của L.T, một học sinh năm xưa khi ông còn dạy tại trường T.N ở tỉnh Đồng Nai. “Bài văn điểm 0” năm nào ông tưởng đã thất lạc nay lại tìm ra. Ông gượng nhẹ cầm bài văn trong tay, lòng bồi hồi, xúc động. Những hình ảnh ngày xưa của lớp 11D2 tưởng đã chìm vào lãng quên giờ đây đang trở lại trong tâm trí ông như một cuốn phim quay chậm.
.........Sáu năm sau ngày đất nước được giải phóng, ông Tân tiếp tục sự nghiệp dạy học tại Đồng Nai cho đến khi được thuyên chuyển về TPHCM. Trường trung học T.N (thuộc tỉnh Đồng Nai) là nhiệm sở lâu nhất trong suốt cuộc đời dạy học. Năm học đáng nhớ nhất với ông Tân là năm ông được nhà trường phân công dạy Văn khối lớp 11 và kiêm thêm vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 11D2. Đa phần học sinh trong lớp xuất thân từ các gia đình lao động nghèo nên các em tương đối ngoan, dễ dạy. Việc hướng dẫn lớp của ông Tân nhờ thế khá thuận lợi, suôn sẻ. Cả học kỳ I, không có em nào bị gọi lên phòng giám thị hay bị phê bình kiểm điểm dưới cờ. Nhưng cuối học kỳ II , lớp đã xẩy ra một sự cố khiến ông không thể nào quên được.
............Khi cho học sinh làm bài viết số 5, ông Tân đã ra một đề có tính khái quát để kiểm tra kiến thức cũng như kỹ năng làm bài của học sinh trước khi thi học kỳ 2. Đề bài tương đối ngắn gọn: “Hãy phát biểu cảm tưởng về một trong những tác phẩm văn học nước ngoài mà em đã học”. Ông Tân chấm bài của lớp 11D2 sau cùng. Gần hết xấp bài, ông thấy hầu hết học sinh làm bài tốt. Có vài em viết dài trên 5-6 trang. Nhưng chấm tới bài của L.T, ông hơi bị bất ngờ vì cậu học trò này viết chỉ vẻn vẹn có mấy dòng: “Trong những tác phẩm văn học nước ngoài đã học, tuy có những tác phẩm nổi tiếng như “Hăm-lét” của Sếc-pia, “Những người khốn khổ” của Vich-to Huy-gô, “A.Q chính truyện” của Lỗ Tấn v.v… Nhưng em nhận thấy những tác phẩm nước ngoài không làm em chú ý và ưa thích vì nó hoàn toàn xa lạ với em. Nếu em có hiểu những tác phẩm này thì sự suy nghĩ và tưởng tượng của em cũng khác hẳn vì nó phụ thuộc theo hình thức mỗi nước. Mong thầy thông cảm vì em đã có những cảm tưởng không giống thầy. Nhưng mỗi người có một tư tưởng khác nhau, thưa thầy”.
...........Từ khi bước vào nghề dạy học, ông Tân chưa hề gặp học sinh nào làm bài kiểu này. Viết dài, viết ngắn hay bỏ giấy trắng cũng chẳng có gì lạ với ông. Nhưng bài của L.T khiến ông không thể chấp nhận được. “Đứa học trò viết như thế này thì không phải do vô tình mà nó chủ động trong từng con chữ”. Ông Tân đánh giá như thế khi trao đổi với một vài đồng nghiệp khi họ nghe chuyện tìm gặp hỏi thăm. “Lẽ nào nó không biết bài văn này hệ số 2 , có ảnh hưởng rất lớn đến điểm học kỳ II và điểm tổng kết cuối năm?” Ông Tân nghĩ không thể nhẹ tay với thứ học trò ngỗ ngược này được. Thông thường, một bài viết kém hoặc lạc đề, ông cho từ 1 đến 2 điểm. Trừ phi những bài để giấy trắng chẳng viết chữ nào thì ông mới cho điểm 0. Đằng này… Không đắn đo nữa, ông Tân lấy bút đỏ cho một điểm 0 đậm nét với cái gạch dưới thật dài.Và trong khung lời phê, ông chỉ viết một dấu hỏi và hai dầu chấm than đậm nét
..........Hôm trả bài, L.T không có mặt trong lớp. Lớp trưởng cho ông Tân hay L.T vắng mặt từ sáng sớm. Bữa đó, ông Tân vẫn lên lớp như thường lệ. Lúc cuối tiết, thay vì lấy bài làm cao điểm nhất cho một học sinh đọc, ông đã chọn bài của L.T. Cả lớp nghe xong cùng “Ồ” lên sửng sốt. Đợi cho trong lớp không còn vang lên những tiếng xầm xì nữa, ông mới chậm rãi đứng lên đưa mắt nhìn cả lớp nói: “Lát hết giờ, các em sẽ nhận bài từ lớp trưởng, còn bài này, thầy sẽ trao đổi với ban giám hiệu trước khi quyết định có trả lại cho L.T hay không. Về giọng điệu bài văn, theo thầy, viết như thế là không được. Có những từ đọc lên nghe không thông lại còn hàm ý thiếu tôn trọng thầy, thách đố người chấm”. Cả lớp im phăng phắc không ai có ý kiến gì
.........Hai tiết văn cuối tuần, ông Tân không thấy L.T có mặt trong lớp và cả tuần sau đó cũng thế. Ông cho gửi giấy báo về gia đình nhưng không nhận được hồi âm. Vài hôm sau nữa, văn phòng nhà trường cho ông hay là L.T đã xin nghỉ học để đăng ký theo học khóa đào tạo chiến sĩ công an ở trên tỉnh.Năm học sau, ông Tân được thuyên chuyển về TPHCM. Hôm chia tay với học trò, ông nghe một em nói L.T đã tốt nghiệp trung học bổ túc văn hóa và đang theo học khóa đào tạo sĩ quan công an. Từ ngày đó, ông không có tin tức nào về L.T nữa.
...........Nhìn lại ngày tháng trên tờ giấy, ông Tân xót xa, bùi ngùi. Thấm thoắt đã gần ba mươi năm trôi qua. Nếu chấm lại, có thể ông sẽ cho điểm bài văn khác. Bao lâu rồi sau ngày về hưu, ông vẫn tự hỏi lòng mình có mức độ trách nhiệm đến đâu khi một học trò sớm giã từ lớp học để vào đời sau khi bị một bài văn điểm 0? Ông cảm thấy có phần trách nhiệm không nhỏ trước bước ngoặt cuộc đời của học sinh này. Nếu như ngày đó tấm lòng ông bao dung hơn thì đã không đánh giá bài văn nghiêm khắc, giáo điều đến thế. Điểm số chắc phải khác và hẳn đã không gây ra cú sốc mạnh cho em”.

....................................................................................... M.M (Lược trích theo Edu.net.vn)
.
thứ sáu, 15/08/2008, 02:52 (GMT + 7)

Bất ngờ tình thầy trò xuyên thế kỷ

Hàng chục năm nay , tôi luôn nói thầy đừng dằn vặt về bài văn điểm không ấy nhưng thầy thao thức không nguôi!
.
Anh Đặng Văn Ninh, học trò cũ của người thầy trong bài “Đi tìm tác giả bài văn điểm không ” đăng trên Dân trí ngày 19/3/2007 tâm sự cùng chúng tôi.
.
Ngày 12/8/2008, hơn một năm sau khi đăng tải bài viết “Đi tìm tác giả bài văn điểm không ”, một lá thư được gửi đến Dân Trí
:
....Tôi đã tìm ra tác giả bài văn điểm không ”
.
..........Bất ngờ buổi tối lên mạng tìm một tài liệu liên quan đến từ khóa “bài văn”, một tựa đề đập vào mắt tôi: “Đi tìm tác giả bài văn điểm 0” đăng trên Dân trí ngày 19/3/2007. Đọc xong bài viết này, tôi vui hết sức vì phát hiện ra tác giả bài viết chính là thầy giáo dạy văn của mình ngày xưa.Tôi còn nhớ năm học 76-77, tôi thi đậu vào lớp 10 D2 trường trung học TNA, Hố Nai, Biên Hòa. Hết năm học, tôi lên lớp 11D2. Nhưng năm học mới khai giảng hai tháng thì cô dạy văn đổi đi. Một thầy giáo dạy văn thay thế cô. Tuần sau đó, thầy giáo mới đến lớp cùng ông hiệu trưởng. Ông giới thiệu với lớp tôi thầy Th sẽ là giáo viên văn kiêm chủ nhiệm lớp. Thầy Th chiếm được cảm tình của học sinh ngay từ tiết đầu. Không đi vào chương trình, thầy dành hết thời gian để làm quen với học trò. Chúng tôi rất thích thái độ gần gũi, cởi mở của thầy. Những ngày tiếp theo, học sinh ngày càng tâm phục vì thầy giảng bài hấp dẫn và có phương pháp giáo dục hay. Khi học sinh có lỗi, thầy nặng về cảm hóa hơn là hình phạt.Khi được thầy Th dạy, lớp tôi tiến bộ trông thấy về nhiều mặt. Nhưng cuối học kỳ II, trong lớp đã xẩy ra một việc mà tất cả lớp không ai ngờ. Đó là khi cho học sinh làm bài viết số 5, thầy Th ra một đề văn mang tính khái quát để kiểm tra đánh giá việc học sinh ôn tập. Trong lớp ai cũng làm bài đến hết giờ mới ra, nhưng bạn Lê Tuấn ra khỏi lớp chỉ 15 phút sau khi trống báo hiệu viết đề. Không biết nội dung bài làm của bạn thế nào, nhưng qua thái độ, chúng tôi đoán thầy Th bực dọc lắm. Thầy cầm bài của Lê Tuấn đọc đi đọc lại rồi ngồi khoanh tay, vẻ đăm chiêu trên nét mặt.Hôm trả bài, Lê Tuấn vắng mặt. Lúc đọc bài văn hay, thầy đã chọn bài của bạn. Cả lớp nghe xong ai cũng sửng sốt không tin được. Một tuần sau, văn phòng nhà trường cho hay Lê Tuấn đã xin nghỉ học.Sau sự cố của Lê Tuấn, không khí sinh hoạt lớp tôi phải mất vài tuần mới trở lại bình thường. Riêng thầy Th khi lên lớp, lời giảng vẫn thu hút học sinh nhưng nét mặt có chút gì buồn. Cuối năm học đó, tất cả học sinh 11D2 đều lên lớp thẳng. Chúng tôi ai cũng bảo đó là công lao của thầy Th.Đầu năm học sau, thầy Th được thuyên chuyển về TPHCM trong sự ngỡ ngàng tiếc nuối của lớp chúng tôi. Hôm chia tay, thầy Th chúc lớp đậu tốt nghiệp 100%. Thầy không quên dặn chúng tôi bao giờ vào thành phố thi đại học nhớ ghé nhà chơi. Nhưng không phải mọi sự trên đời hễ “muốn là được”. Hè năm đó, tôi và các bạn sau thi đại học kiếm mỏi mắt không ra địa chỉ của thầy vì khu vực đó đã được đền bù giải toả.Ba chục năm trôi qua, tôi không gặp thầy Th. Mỗi lần đến ngày 20 tháng 11, tôi vẫn thầm cảm ơn người thầy đã tận tụy dạy dỗ mình nên người. “Bài văn điểm không” soi sáng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm của một người thầy. Càng đọc, tôi càng thấy tấm lòng thầy Th cao quý. Thầy nghiêm khắc với học trò nhưng cũng nghiêm khắc với cả chính bản thân mình. Căn cứ vào xuất xứ bài văn và tấm hình tôi suy nghĩ và tìm cách liên lạc với thầy Th qua các thông tin trên edu.net.May mắn thầy đã nhận được mail của tôi và gửi hồi âm.
Nếu báo Dân trí tiếp tục muốn tìm hiểu về “tác giả bài văn điểm không”, tôi sẵn sàng làm cầu nối."

.......................................... .......................................Đ.V.N - Một học trò cũ của thầy Th

.............................................Tác giả lá thư là một “người vô hình”
.
.........Tác giả lá thư có để lại địa chỉ email. Chúng tôi liên hệ và nhận được hồi âm cung cấp thông tin về số điện thoại, tên thật của mình là Đặng Văn Ninh và cả số điện thoại của nhà người thầy đó.Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi điện đến số máy được cung cấp là số điện thoại của người thầy giáo đó, thì tiếng trả lời rành rọt của tổng đài bưu điện thông báo: “Số máy quý khách vừa gọi hiện chưa có”.Càng bất ngờ hơn khi gọi điện đến số máy của anh Đặng Văn Ninh thì tuy không phải nhận được thông báo như trên nữa, nhưng chủ nhân của số điện thoại đã hết sức ngạc nhiên vì anh không gửi lá thư nào đến tòa soạn, cũng không trả lời email để cung cấp số điện thoại nào cả!Nhưng anh cũng chỉ cười và không hề truy cứu xem ai là tác giả của lá thư đó. Anh hỏi chúng tôi cần thông tin gì từ anh? Và anh có trần tình: “Khổ quá, tôi cũng là học trò của lớp thầy Th ngày ấy (Thầy Th là tên thật của thầy giáo đã cho bài văn điểm 0 - PV), tôi thấy bài văn bị cho điểm 0 đó cũng có gì là quá đáng đâu mà hàng chục năm nay, thầy luôn phải dằn vặt, buồn bã như vậy”.Chúng tôi có đề nghị anh có thể tìm giúp người bạn cũ ngày xưa cho thầy giáo của mình. Anh hứa sẽ cố gắng tìm. “Cũng đã hàng chục năm trôi qua rồi, công việc bận rộn, mỗi người mỗi ngả, tôi không hề gặp lại Lê Tuấn (là tác giả bài văn bị điểm 0 đó, có tên tắt là L.T - PV). Tôi cũng không biết giờ anh ấy ở đâu, làm gì nhưng tôi sẽ cố gắng huy động tất cả các kênh thông tin từ bạn bè cũ để tìm anh ấy về cho thầy giáo của chúng tôi trong thời gian nhanh nhất!” Anh Ninh đã hứa như vậy!

.
.......................................................................................................................M.M

Thứ Hai, 25/08/2008 - 1:05 PM
.

...............................................“Tuấn ơi, em có còn giận thầy không?”

(Dân trí) - Người thầy ấy tuổi đã gần thất thập, giọng nói yếu ớt lắm rồi. Thầy đã bị bệnh phế quản nhiều năm nay, có lẽ do hít phải nhiều bụi phấn. Vào khoảnh khắc chiều tàn thu muộn này, thầy vẫn luôn hy vọng người học trò năm xưa sẽ trở lại tìm mình..
.......Thầy giáo đó tên thật là Ng Đ Th, một trong hai nhận vật chính của câu chuyện “Đi tìm tác giả bài văn điểm không”. Trong một buổi sáng mùa thu khi các trường học của TPHCM rạng rỡ với không khí chuẩn bị đón buổi tựu trường sớm, chúng tôi đã được trò chuyện cùng ông. Thầy Th hiện đang sống trong một căn nhà nhỏ ở quận 10. Thầy nghỉ hưu đã 6 năm nay, nhưng cảm giác về ngày khai trường, về những giờ lên lớp với bảng đen, phấn trắng và những đôi mắt ngời sáng của học trò luôn làm ông thấy nao nao náo nức. Người già thường sống trong ký ức, và thầy Th cũng vậy. Đã hơn 30 mùa khai trường đã qua và năm nào cũng như năm nào, càng vào những ngày này, ông càng thấy da diết nhớ người học trò “điểm 0” năm xưa. “Nếu chấm lại, có thể tôi sẽ cho điểm bài văn khác. Bao lâu rồi sau ngày về hưu, tôi vẫn tự hỏi lòng mình có mức độ trách nhiệm đến đâu khi một học trò sớm giã từ lớp học để vào đời sau khi bị một bài văn điểm 0? Tôi đã có một phần trách nhiệm không nhỏ trước bước ngoặt cuộc đời của học sinh này”. Thầy Th buồn buồn bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.“Tôi sẽ trân trọng trả lại cho em bài văn năm xưa...”
Ngày đó, khi đọc bài văn của Lê Tuấn, tôi đã từng nghĩ: “Đứa học trò viết như thế này thì không phải do vô tình mà nó chủ động trong từng con chữ. Lẽ nào nó không biết bài văn này hệ số 2 , có ảnh hưởng rất lớn đến điểm học kỳ II và điểm tổng kết cuối năm? Không thể nhẹ tay với thứ học trò ngỗ ngược này được. Về giọng điệu bài văn, viết như thế là không được. Có những từ đọc lên nghe không thông, lại còn hàm ý thiếu tôn trọng thầy, thách đố người chấm. Giờ nghĩ lại, nếu như ngày đó tấm lòng tôi bao dung hơn thì đã không đánh giá bài văn nghiêm khắc, giáo điều đến thế. Điểm số chắc phải khác và hẳn đã không gây ra cú sốc mạnh cho em. (Thầy giáo Ng Đ Th)Vâng, nhưng em đã từng gặp một người học trò của thầy là anh Đặng Văn Ninh (anh Đặng Văn Ninh hiện đang công tác tại một công ty sách và thiết bị TPHCM - PV) và anh Ninh cũng nói là bài văn đó điểm 0 cũng là xứng đáng thôi, sao thầy cứ phải luôn quá băn khoăn như vậy?Cũng có một vài đồng nghiệp của tôi đã nói với tôi như vậy. Nhưng anh Ninh nhận xét thế là trên quan điểm của người học trò thôi. Còn tôi suy nghĩ như thế là trên quan điểm của người thầy. Khi tự đặt tôi vào vị trí của người học trò, hoàn cảnh của người học trò, tôi hiểu ra rằng có thể bài văn đó của tôi đã thay đổi cuộc đời của em học sinh đó hoặc có những tác động không nhỏ đến cuộc đời của em. Làm sao tôi có thể thanh thản để không nghĩ rằng mình không có trách nhiệm gì trong đó.Nhưng thưa thầy, việc thôi học để theo ngành công an có thể là dự định từ trước của Lê Tuấn? Cùng đó, ngay sau khi cho bài văn điểm 0, thầy cũng đã liên lạc nhiều lần với gia đình của Tuấn nhưng không nhận được hồi âm, chứ có phải là thầy “bỏ bẵng” đâu?Đấy chính là điều mà tôi rất mong khi gặp lại học trò cũ này, để biết em có khỏe không, khi ngày đó quyết định như thế, em có thành đạt và hạnh phúc không. Có phải vì tôi mà em đã quyết định như thế không?Và nếu gặp là cậu học trò Lê Tuấn ngày nào, điều mà thầy muốn nói nhất sẽ là gì, thưa thầy?Tôi sẽ trân trọng trả lại bài văn năm xưa của em và tôi nghĩ rằng, Tuấn sẽ đón nhận nó như một kỷ vật đẹp đẽ của thưở học trò. Rồi tôi sẽ hỏi em: “Tuấn ơi, em có còn giận thầy không?”Thầy có tin rằng mình sẽ gặp lại được cậu học trò Lê Tuấn?Tôi tin là Lê Tuấn sẽ lên mạng đọc và sẽ hiểu tôi đã chờ đợi em ấy đến thế nào trong suốt hơn 30 năm qua...Niềm hy vọng của thầy giáo già Ng Đ Th cũng là niềm hy vọng của chúng tôi. Cũng có thể, thầy Th sẽ mãi mãi không bao giờ gặp lại được người học trò cũ, nhưng chúng tôi luôn tin rằng tình cảm của người thầy này sẽ mãi là một câu chuyện vô cùng đẹp đẽ và sẽ là một “món quà” rất quý giá và tràn đầy ý nghĩa cho những thế hệ học trò hôm nay và mai sau.

.....................................................................................................Mai Minh

-

Chú thích :

Các bạn có thể xem trực tiếp loạt bài của báo Dân Trí trên internet qua các link : .

.
.
.
General Comments (3) Permalink Trackbacks (0)

................................................................................................................
Comment
3 Responses to “Đi tìm tác giả "Bài văn điểm không "”
1
_takie nguyen 09/01 2008, 16:52 Say: [Reply]
Câu chuyện cảm động quá!Cả hai đều có quyền tự do và trách nhiệm với hành động của mình. Anh đã có thể lựa chọn cách viết bài như thế hoặc giống với các bạn khác và thầy cũng có quyền lựa chọn cho điểm hay nhận xét khác đi.Nếu cả hai cùng ý thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của hành động mình thì dù chọn cách nào cũng chẵng có gì là quá nghiêm trọng.Thầy đã ân hận vì con điểm làm thay đổi cuộc đời anh, còn anh có ân hận vì đã không lựa chọn cách thích hợp hơn để thể hiện "cái tâm cái ý" của mình không?Cái thiếu ý nhị của anh thì dù sao cũng chỉ là hành động của tuổi 17, còn quá trẻ để có thể trách phạt nặng như vậy nhỉ. Nhưng đời còn dài, tuổi 17 mà không dám phát biểu thì càng già sẽ càng hèn nhát. Còn như anh đã lỡ sai lầm rồi thì 18, 19, 20 sẽ rút được tí kinh nghiệm chứ nhỉ ! Có người đã sống đến gần hai phần ba cuộc đời rồi mà phạm cái lầm tuổi 17 như anh mới là đáng tiếc.Xin kính chúc thầy và trò cứ con đường phía trước mà tiến. Những chuyện ngày xưa tự nó sẽ giải quyết với nhau vậy. (Nói thê em lại lo mấy thầy giáo đang dạy học không chịu tỉnh ngộ quá!)
2
Mỹ Quyên 09/01 2008, 13:24 Say: [Reply]
.... Em rất tò mò và náo nức chờ đợi thời gian tiếng chuông gióng lên có âm vọng lại không ? và nếu có thì đây giống như một câu chuyện có thể viết thành tiểu thuyết được .Cuộc đời có rất nhiều điều xảy ra ,và việc làm của mình đôi khicũng có ảnh hưởng đến ý thức cuộc đời của người khác .Nhưng em tin Anh đã làm đúng chức năng thầy giáo của mình thì không nên trói buộc ý niệm khắc khe với bàn thân .Biết đâu ..giòng đời đưa đẩy cậu hoc sinh đó qua bao năm tháng lại có cuộc sống nhân sinh quan mới từ điểm 0 trở thành điểm 10 và là người thành đạt hiện giờ thì sao nhỉ ?
3
Anonymity 09/01 2008, 10:53 Say: [Reply]
........Tôi không là thầy giáo nhưng đọc bài "Đi tìm tác giả bài văn điểm không" tôi lại nghĩ đến một khía cạnh khác của vân đề:
Anh học trò ngày xưa khi viết bài văn đó cũng chứng tỏ anh không phải là anh học trò dốt,có thể anh không thích cái kiểu học tri,hồ,giả,dã;yêu ai anh nói là yêu,ghét ai anh nói là ghét,chứ "không nói yêu thành ghét" nên tác phẩm không điểm mới được ra đời.Hoặc có lẽ anh đã tính đi con đường khác nên dám nói thật lòng mình trước khi rời xa cái khung cảnh học hành anh cho là không thích hợp! Còn thầy Th. cũng rất trung thực với lòng mình và có thái độ đúng đắn với bài văn vừa lạc đề vừa có tính cách thách đố đối với thầy và với cách dạy giỗ mà xã hội đang áp dụng khi cho điểm không.
---------------------------------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..