11 thg 10, 2007

Xuân về nhớ bác Thái năm xưa

.................................................. ...(Tặng chị Hà và các cô em gái)

.........Sáng mùng 5 tết ra phố tìm mua báo , tình cờ tôi nhìn thấy mấy bác lớn tuổi đang ngồi chơi Tam cúc trên bộ ván trong một ngôi nhà phía sau sạp báo .Tôi lặng người đứng xem . Tam cúc là thứ bài không xa lạ gì với tôi . Nhưng đã từ rất lâu , kể từ khi mẹ mất, mọi người trong gia đình tôi chẳng ai chơi nữa. Nhìn những quân bài Tam cúc thân quen được gặp lại , tôi thấy lòng mình bồi hồi xúc động bởi chúng đã đánh động trong tôi những kỷ niệm khó quên về bác Thái , một người chị của mẹ tôi , vốn rất mê bài Tam cúc .

...........Hồi tôi còn bé như đã thành lệ ,cứ vào ngày mồng hai tết là ông cậu Sơn ở Thủ Đức và bác Thái ở Bình Dương lại ghé chơi nhà tôi ngay từ sáng sớm . Ngoài việc chúc tết , hai người thường ở lại đánh bài Tam cúc với mẹ tôi suốt buổi ,có bữa kéo dài đến xế chiều . Thứ bài Tam cúc thường chơi đủ chân phải có 4 người mới vui ( 3 người chơi cũng được phải bỏ đi 1 quân Tốt đỏ và 1 quân Tốt đen , ít khi chơi 2 người ).Vì bố không tham gia nên thế nào các người cũng rủ tôi cùng chơi cho đủ chân .(Việc bố không chơi bài có nguyên cớ xẩy ra từ hồi ông chưa lập gia đình . Trong một lần tâm tình với các con , bố kể rằng hồi nhỏ ông cũng rất ham chơi bài này. Có một buổi trưa đang chơi Tam cúc cùng bạn bè ,bố gặp bài xấu khó đi phải chần chừ ngồi suy nghĩ. Ông bị người bạn ngồi kế bên giễu cợt “Sao ngồi bí xị vậy ? Có cần giấy không , tôi lấy giúp cho ?” Bố rất bực bội khi bị nói kháy như vậy. Từ sau bữa đó , bố thề không bao giờ chơi bài nữa . Cho đến cuối đời , ông không hề thay đổi quan điểm của mình . )

............Là phận con cháu, khi ngồi chơi với các người trên, bao giờ tôi cũng tự nguyện nhận nhiệm vụ chia bài dù chẳng phải là nhà cái.Bài Tam cúc có các quân bài được phân định lớn nhỏ chẳng khác nào các quân trong Cờ tướng . Theo thứ như sau : Tướng - Sĩ - Tượng - Xe - Pháo - Mã - Tốt. Các quân bài cùng tên thì giá trị quân đỏ lớn hơn quân đen. Sau khi bài chia xong ,các người chơi bài sắp xếp những quân bài sao cho cùng tên ,cùng mầu .Bộ đôi có đôi Sĩ , đôi Pháo,đôi mã. Bộ ba có Tướng-Sĩ-Tượng hoặc Xe-Pháo-Mã .Riêng về Tốt ,ngoài đôi ra (không ai chơi bộ ba Tốt) có Tứ tử (4 cây ) hay Ngũ tử (5 cây ) cùng màu .
............Khởi đầu ,nhà cái có quyền gọi ra bài đầu tiên .Khi nghe nhà cái gọi "một cây", "đôi cây" hay "ba cây"... thì những người chơi khác sẽ tương ứng cho ra số cây bài của mình và úp xuống chiếu bài. Khi mọi người đã ra bài đầy đủ thì người gọi sẽ lật bài mình ra.Nếu bài lớn nhất thì người đó thắng lượt bài và tiếp tục gọi bài. Tất cả mọi người khác thua thì được phép chui bài , song không lật lên để khỏi lộ bài. Đến vòng bài cuối cùng trước khi hết quân, người cầm cái gọi đôi hay ba quân thì ván bài có kết và giá trị tiền được tăng gấp đôi ván không có kết. Ai kết Tốt đen thì được tính “kết bội nhị ” ( tiền tăng lên 2 lần kết thường ) .Nhưng nếu bị Tốt đỏ kết đè thì người gọi phải bồi thường tiền kết tăng đó cho “ làng ”(các người bị thua).Trong trường hợp một người có Ngũ tử hoặc Tứ tử thì "Tứ tử trình làng"( hạ nhóm 4 quân đó xuống chiếu) và được ăn, nhưng không được làm cái. Nếu ai có Ngũ tử thì không những được ăn ,còn có quyền cướp cái và trình làng bất cứ lúc nào trong ván bài .Khi ấy mọi người phải chui đi 5 cây bài.
............
.............Ngày tết ,theo truyền thống ,việc chơi bài cốt để mua vui và giết thời giờ.Thắng thua nào có quan trọng gì vì đa phần chơi với người thân thuộc ở trong nhà . Bác Thái của tôi vốn rất mê bài Tam cúc nhưng lại chơi bài yếu nhất .Chơi10 ván ,bác chỉ thắng hay hoà 2 hoặc 3 ván. Thế nên mỗi lần chơi bài xong ,tôi đều thấy bác Thái là người thua nhiều hơn cả. Nhưng cho dù thua ,bác không hề buồn, chỉ cười xoà và nói :”Tết sang năm sau sẽ lấy lại !”

..............Có một năm ,do buôn bán không xuông xẻ ,lại nghe người ta nói ai thua bài ngày tết thì sẽ bị “dông” (xui xẻo) cả năm , bác Thái tìm cách chơi bài “ăn gian”.Người phát hiện ra việc bác chơi “ăn gian” lại chính là tôi ,thằng cháu mà bác rất yêu thương . Nguyên do cũng tại lúc chơi tôi hay để ý quan sát những người chui bài. Bài chui rồi gọi là “rác” không ai được lấy lên nữa .Nhưng bác tôi khi chui bài hay úp các quân bài gần chổ mình ngồi và thường liếc nhìn vị trí các lá bài đó.Theo luật chơi ,khi nhà con đã hạ bài mà bài nhà cái chưa lật thì nhà con có quyền lấy lên sửa bài .Dựa vào luật này, bác tôi đã nhanh tay tráo đổi để thế vào một lá bài mình đã chui . Nhưng tôi lại lẹ mắt hơn , mau chóng phát hiện và tố giác với “làng”. Bác tôi đỏ mặt chịu thua ván bài đó .Nhưng bác không giận tôi vì sau khi chung tiền ,bác cười xòa véo tai thằng cháu, mắng yêu : ”Chỉ tại cái thằng ranh này !...”Tính bác Thái dễ mến như thế đó. Bác không hề ghét đứa cháu vừa “lật tẩy” mình xong. Vào cuối mỗi buổi chơi ,bao giờ bác cũng ân cần hỏi han xem tôi thắng thua thế nào ? Nếu tôi nói thua hay vờ than thở chẳng được bao nhiêu , thì ngay lập tức ,bác móc tất cả tiền lẻ còn trong túi giúi vào tay tôi ,bảo :”Cháu cầm lấy mà ăn quà !”

..........Tình cảm của bác Thái rất bao dung , chân thật nên tôi cũng như các em tôi rất yêu quý bác .Chúng tôi càng thêm thương yêu bác khi thấy bác không sinh được người con nào ,chỉ sống với một người con gái nuôi xem như chỗ nương tựa khi về già. Mỗi lần có dịp đến nhà chơi ở Bình Dương , chúng tôi đều được bác vui vẻ tiếp đón , chiều chuộng .Bác đãi các cháu những món ăn ngon chẳng khác gì đối với những người khách quý. Đổi lại , chúng tôi khi ra về , ai cũng bịn rịn lưu luyến chẳng muốn chia tay.Tôi thầm nghĩ bác không khác nào người mẹ thứ hai của mình .

.........Bây giờ ,bác Thái đã mất. Mẹ tôi và ông cậu Sơn cũng chẳng còn . Những người chơi bài Tam cúc với tôi năm xưa đã vắng bóng hết . Quy luật tạo hóa thật nghiệt ngã song cũng rất công bằng. Mỗi thời đại , mỗi thế hệ có những xu hướng làm việc và hưởng thụ khác nhau . Có những cái tưởng đã mất đi nhưng bất ngờ lúc nào đó , ta sững sờ khi gặp lại . Hôm nay thấy bài Tam cúc vẫn còn có người chơi , niềm vui lóe lên trong tôi , nhưng đi liền theo là nỗi buồn nhen nhúm , vì “cảnh cũ” còn đây mà “ người xưa “ nào đâu thấy !
.................................. ......................nguyenuthang

------------------------------------------------------------------------------------------------

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...

HOA HỌC TRÒ-Trời đất dành riêng tuổi học trò.Một loài hoa đỏ rất nên thơ...
Mỗi năm hoa nở mùa thi đến.Chạnh nhớ trường xưa nhớ bạn bè .Nguyenuthang ..